Trưởng phòng thu nhập 40 triệu đồng, vẫn "ngửa tay" vay tiền nhân viên
(Dân trí) - "Lam, cho chị mượn 3 triệu đồng cuối tuần này về quê!". Đã quen với việc này, Lam lập tức chuyển tiền cho chị Sương trưởng phòng, người có thu nhập gần 40 triệu đồng "mượn nóng".
Nhiều nhân viên ở phòng Khách hàng cá nhân một chi nhánh ngân hàng ở Tân Bình, TPHCM không còn lạ với việc chị Sương, trưởng phòng "mượn nóng" như vậy.
Chị vay từ vài triệu đến cả chục triệu đồng, khi cần về quê, khi đi du lịch, khi đổi điện thoại, khi đổi xe, hay đóng tiền tập gym...
Kể ra, nhiều người tưởng "xạo" vì người vay là sếp, thu nhập của chị Sương tầm 40 triệu đồng tháng, chưa kể có nhiều khoản theo dự án. Thu nhập cao, chưa chồng con, nhưng chị Sương thiếu tiền đều đặn. Chị vay tiền nhân viên nhiều lần.
Ai thân quen đều biết mức độ tiêu xài của chị Sương. Bao nhiêu tiền chị đổ hết cho ăn uống, mua sắm, các dịch vụ như spa, tập tành, đi du lịch hay đổi điện thoại... Tính hào phóng, lại ưu tiên việc hưởng thụ nên động đến cái gì chị cũng chọn những thứ đắt đỏ, sang chảnh.
Trừ năm nay vướng dịch Covid-19, hàng năm, có lịch trống là chị đi du lịch. Đi trong nước không kể hết, ít nhất là hai chuyến đi nước ngoài. Chỗ nào đẹp, món nào ngon là chị phải "check in" bằng được.
Ngoài chơi sang, chị còn rất "hoang tay". Có lần, cơ quan đi nghỉ ở Vũng Tàu, chị có việc chưa đi được ngay. Thay vì lên xe giường nằm vé chỉ 170.000 đồng, chị gọi taxi chở mình xuống với chi phí 1,5 triệu đồng. Đi đâu cũng vậy, chị cứ phải ăn ngon và mặc sang.
Chỉ riêng hai ngày cuối tuần, chị phải cầm tiền mặt 2 - 3 triệu đồng để xài cho việc ăn uống, vui chơi. Mua quần áo, đồ chơi cho cháu, đi ăn nhà hàng tiền triệu, hay gọi quả rầu riêng vài trăm nghìn về ăn là chuyên thường.
Tối nào chị cũng chạy bộ thể dục và toàn kết thúc tại điểm bán trà sữa "làm ly cho lại sức". Trà chị uống chí ít phải loại 60.000 - 70.000 đồng/ly.
Khi nào thu nhập cao hơn thì các nhu cầu mới của chị lại xuất hiện. Như năm nay, do ảnh hưởng của dịch, thu nhập giảm nhưng nhu cầu của chị không hề giảm.
Không đi du lịch đều được thì chị đổ tiền cho các khoản khác như đổi xe, đổi điện thoại, thuê huấn luyện viên cá nhân... Hai tháng qua, chị đi liên tục 4 chuyến trong nước như để "bù đắp" cho những ngày tháng "trói chân" ở nhà.
Tiền vào tay chị cứ như có chân, ra đi ngay. Nên khi có việc những việc cần tiền như về quê, đi chơi, đổi xe, điện thoại... chị lại phải mượn tạm. Chị không mượn lâu, đến ngày lĩnh lương là trả. Trả rồi khi cần lại vay lại.
Bạn bè chị, nhiều người đều ổn định nhà cửa, có tiền tiết kiệm. Còn chị từ ở thuê, vừa chuyển sang ở ké nhà em gái mới mua, hơn 17 năm đi làm, không có khoản tích lũy nào. Bố mẹ chị nhiều lần khóc lóc, trách móc con không biết lo cho tương lai, không biết lỡ khi ốm đau bệnh tật xoay xở thế nào.
Gần đây, cô em gái yêu cầu chị phải đóng 5 triệu tháng tiền nhà như một cách giữ tiền cho chị gái. Đến hạn đóng, chị toàn... hết tiền.
Người thân, người quen nhìn cách chị chi tiêu là ngán ngẩm lắc đầu. Có người sốt ruột thay, chị cười: "Mỗi người một cách sống. Mình thấy mình sống thoải mái là được, đâu bắt ai phải lo, phải nuôi!"
Trên thực tế, không ít trường hợp như chị Sương, thu nhập cao nhưng không có tiền tích lũy, thường xuyên rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Thế nên, rất nhiều người dù giàu mà vẫn sống trong nợ ngần ngập đầu.
Ngược lại, có người thu nhập không cao, thậm chí thấp nhưng biết liệu cơm gắp mắm, cân nhắc... không ít người vẫn mua được nhà, có tiền tích lũy, phòng thân.
Anh Lê Đình Huấn, nhân viên tư vấn tài chính ở Q.1, TPHCM cho biết, mỗi người có một quan điểm sống, cách chi tiêu, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống khác nhau. Không thể phát xét cách sống nào là đúng hay sai, cái nào hơn cái nào.
Tuy nhiên, bất kể là ai, nếu thiếu khả năng quản lý tài chính, nhiều người dù có thu nhập cao nhưng rất khó thoát được cảnh thiếu thốn, hay kéo theo nhiều bi kịch.
Dù họ có thể chưa phụ thuộc vào người khác nhưng rất khó tự chủ, chủ động, nhất là trong những tình huống bất khả kháng, đột xuất.
Muốn hạnh phúc, phải tự lập về tài chính
Theo TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, để hạnh phúc, trước hết bạn trẻ phải tự lập, tự chủ về cuộc sống, cuộc đời của chính mình.
Tự lập có rất nhiều khía cạnh như chăm sóc bản thân, chọn nghề nghiệp, tự lập trong các mối quan hệ... và vấn đề cực kỳ quan trọng là tự lập về tài chính.
Tự lập về tài chính là hiểu về giá trị đồng tiền, có năng lực kiếm tiền và cả khả năng quản lý đồng tiền. Và điều này, bạn trẻ cần được gia đình giáo dục, trau dồi từ nhỏ.