Trường nghề tìm hướng phát triển nhân lực chuẩn quốc tế

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các trường nghề đang nỗ lực liên kết với các tổ chức giáo dục quốc tế để đưa chương trình dạy nghề tiên tiến về giảng dạy, đào tạo sinh viên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nâng chất lao động trong nước và đáp ứng yêu cầu quốc tế

Đầu tháng 6, trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist đã ký kết biên bản hợp tác với Học viện New Era (Úc). Với chương trình hợp tác này, sinh viên trường Saigontourist được học tập theo chương trình quốc tế các ngành nghề tiếp tân, phục vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, làm bánh.

Trường nghề tìm hướng phát triển nhân lực chuẩn quốc tế - 1

Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist ký kết biên bản hợp tác với Học viện New Era (Ảnh: STHC).

Sinh viên các khóa ngắn hạn sẽ có cơ hội sang Úc học các chứng chỉ nâng cao tay nghề tại Học viện New Era. Từ nền tảng này, sinh viên có nguyện vọng sẽ được học liên thông lên cao đẳng tại chỗ.

Ngoài ra, những sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp Saigontourist và có 1 năm kinh nghiệm làm việc, trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 là đủ điều kiện sang Úc tiếp tục đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm.

Theo cô Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng trường Saigontourist, việc hợp tác với các tổ chức giáo dục nước ngoài, kết hợp giảng dạy theo chương trình quốc tế không chỉ nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tay nghề cho sinh viên mà còn giúp các em đạt được các loại bằng cấp, chứng chỉ quốc tế, có cơ hội làm việc ở thị trường lao động nước ngoài.

Với mô hình này, mỗi năm, trường không chỉ cung ứng vài ngàn nhân lực chất lượng khối ngành du lịch cho thị trường lao động trong nước mà còn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đưa lao động sang các thị trường khó tính như Đức, Pháp, Úc, Nhật… làm việc.

Trường nghề tìm hướng phát triển nhân lực chuẩn quốc tế - 2

Học chương trình quốc tế, sinh viên trường nghề có chứng chỉ quốc tế để ra nước ngoài làm việc (Ảnh minh họa: STHC).

Tiến sĩ Khaled Hammad, Giám đốc Phát triển kinh doanh Học viện New Ara, chia sẻ: "Bằng cách hợp tác cùng nhau, khoảng cách giữa học thuật và ngành nghề có thể được thu hẹp, đào tạo được những sinh viên không chỉ có nền tảng kiến thức tốt mà còn sẵn sàng hòa nhập vào môi trường làm việc quốc tế".

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, hiện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập, đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Mục tiêu của việc đổi mới là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, tạo điều kiện tiếp cận với thực tiễn lao động… để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra.

Chiến lược hợp tác quốc tế

Việc hợp tác quốc tế không chỉ diễn ra cục bộ ở một trường nào. Mô hình này đang trở thành chiến lược phát triển của hầu hết các trường nghề ở TPHCM hiện nay.

Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, trong tháng 4 và tháng 5, Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo ở nước ngoài như Đại học Minnesota (Mỹ), Tập đoàn NB - Việt Nam - Consulting tại Đức… để triển khai các chương trình đào tạo kết hợp tại Việt Nam và nước ngoài, nhận bằng cấp quốc tế.

Trường nghề tìm hướng phát triển nhân lực chuẩn quốc tế - 3

Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn ký kết hợp tác Đại học Minnesota (Ảnh: BKC).

Từ nhiều năm nay, Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn đã liên kết với nhiều tổ chức giáo dục quốc tế để đào tạo các ngành thế mạnh của trường như kinh tế, công nghệ thông tin, mỹ thuật công nghiệp, ngoại ngữ, du lịch, kỹ thuật, công nghệ hóa thực phẩm…

Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, hợp tác quốc tế mở ra cơ hội học tập chuẩn quốc tế, giúp sinh viên có khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên giảng dạy tiến bộ của thế giới. Các em còn có cơ hội thực tập, nghiên cứu tại nước ngoài với những thiết bị tiên tiến, sát với thực tiễn lao động.

Vài năm trở lại đây, hợp tác quốc tế là chiến lược quan trọng hàng đầu của Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Nhà trường không ngừng kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều tổ chức uy tín đến từ Nhật, Hàn Quốc, Đức, Úc, Anh…

Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức là một trong những trường đầu tiên tham gia Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai. Trường tham gia thí điểm đào tạo nghề điện công nghiệp.

Từ năm 2018, nhà trường đào tạo ngành logistics theo chương trình của Úc. Ngành công nghệ thông tin thì hợp tác đào tạo cùng Tập đoàn Freesia và trường cao đẳng Công nghệ công nghiệp Tokyo (Nhật).

Trường nghề tìm hướng phát triển nhân lực chuẩn quốc tế - 4

Hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo đang là chiến lược của hầu hết các trường nghề tại TPHCM (Ảnh minh họa: STHC).

Cô Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng trường trung cấp Saigontourist cho rằng, sự hợp tác đưa các chương trình quốc tế về giảng dạy, giúp sinh viên có bằng cấp, chứng chỉ nghề quốc tế để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Từ nền tảng này, trường còn có thể đưa sinh viên ra nước ngoại học liên thông nâng cao tay nghề và làm việc.

Việc này không chỉ đem lại lợi ích, cơ hội phát triển nghề nghiệp cho sinh viên mà còn là một cách để đào tạo một lớp lao động có kỹ năng nghề quốc tế, đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.