Trọng tài Việt Nam: Nghề bạc hay bạc với nghề?

So với thời VFF còn đứng ra tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp QG (bỏ qua giai đoạn bóng đá bao cấp), chế độ cho đội ngũ TT đã được cải thiện nhiều, từ 4 mùa giải gần đây, cũng là khoảng thời gian VPF “thầu” lại V-League, hạng Nhất và Cúp QG.

Cụ thể trước năm 2012, chế độ cho trọng tài chính tầm 3 – 4 triệu, các trợ lý trọng tài (và giám sát) thấp hơn khoảng 25%. Nhưng toàn bộ chi phí này, cộng thêm phí di chuyển, ăn ở, được quy cho địa phương hoặc các đội bóng chủ nhà. Tiêu cực dễ phát sinh từ đây.

Mùa giải 2015, dù đang trong cơn lạm phát, nhưng chế độ cho các trọng tài vẫn được giữ với tỷ lệ 6/4 (trọng tài chính hưởng 6 triệu/trận, còn các trợ lý và giám sát nhận 4 triệu), không bao gồm chi phí di chuyển, ăn ở. Nhà tổ chức VPF đứng ra gánh toàn bộ chi phí này.


Trọng tài làm nhiệm vụ tại V-League có thu nhập khá nhưng đi kèm với đó là sức ép vô cùng lớn. Ảnh: V.S.I

Trọng tài làm nhiệm vụ tại V-League có thu nhập khá nhưng đi kèm với đó là sức ép vô cùng lớn. Ảnh: V.S.I

Tức là, nếu không dính “phốt” và được phân công nhiệm vụ đều đặn, thu nhập của một trọng tài rơi vào tầm trên dưới 20 triệu đồng/tháng/4 trận. Cộng với phần lương cứng tại cơ quan chủ quản và các hỗ trợ khác (1 triệu đồng/tháng của VPF), như thế là khá cao so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số trọng tài, với cái nghề nhiều may rủi, thậm chí là nguy hiểm như nghề trọng tài, thì chế độ dành cho họ như hiện nay là không cao. “Chúng tôi gần như không được “bảo hiểm”, bao gồm cả tính mạng”, một ý kiến cho biết.

Trước đây, việc phân công nhiệu vụ trọng tài và giám sát còn mập mờ, thậm chí có cả chuyện “cắt phế”. Sau này, tuy là đã công khai, minh bạch hơn, nhưng vẫn không thiếu những uẩn khuất. Nhiều trọng tài không hiểu tại sao họ không được phân công, thậm chí bị kỷ luật ngầm.

Trên đe, dưới búa, sức ép bủa vây, nhiều người đã toan ý định hưu non. Thế mới nói, nghề trọng tài đúng là “bạc” theo nhiều nghĩa. Đại đa số các trọng tài trẻ hoặc ít được trọng dụng ở sân chơi chuyên nghiệp, đã chọn các giải phong trào để cầm hơi, thậm chí giữ được thu nhập ổn định.

Sự phát triển rộng khắp của bóng đá phong trào và các giải đấu, khuyến khích rất nhiều các tay còi, tay cờ nghiệp dư. Nhưng, khi hỏi họ có nhu cầu tiến thân lên bắt V-League hay không, vẫn còn nhiều cái lắc đầu, nhất là phụ huynh và người thân.

Nhưng nghề nào cũng thế, không bạc với nó thì sẽ có ngày “nhất thân vinh”.

Theo Tùy Phong/Thể thao & Văn hóa