Bình Định:
Trồng mai bonsai thu lãi khủng, nghệ nhân nghèo xây nhà to
(Dân trí) - "Nghệ thuật đến từ đôi bàn tay, sáng tạo đến từ trí óc", nghệ dân Đỗ Văn Phẩm ở Bình Định đã tạo ra nhiều tác phẩm mai bonsai với kiểu dáng độc lạ, mỗi năm lãi 300 - 500 triệu đồng.
Với nhiều tác phẩm mai bonsai kiểu dáng độc đáo giống như con ốc sên, bạch tuộc, kỳ lân, nông dân - nghệ nhân Đỗ Văn Phẩm (66 tuổi, ở thôn Nam Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) từ hộ nghèo nhất làng đã sở hữu cơ ngơi hoành tráng.
Do 2 năm vừa qua, gia đình ông lo xây dựng nhà cửa, dành đất làm kho để kinh doanh, không còn nhiều đất nên vườn mai bonsai chỉ còn khoảng 150 cây. Tuy nhiên, giá trị mỗi cây rất cao, từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng từ việc bán mai bonsai dịp Tết.
Theo ông Phẩm, 20 tuổi, ông đã bắt đầu mê cây cảnh. Ông có chút kiến thức về trồng cây mai vàng Tết của người dân địa phương. Tuy nhiên, ở xã Nhơn Hậu thời điểm đó chẳng mấy người trồng mai và có trồng bán cũng ít ai mua. Sau khi lấy vợ sinh con, vợ ông Phẩm ở nhà làm ruộng nuôi bò, nuôi heo, còn ông Phẩm "ôm" tiền lên Tây Nguyên thuê đất trồng dưa hấu.
"6 năm trời ở Tây Nguyên trồng dưa hấu, công việc khá vất vả nhưng khi trở về ông vẫn trắng tay, lại còn bị lỗ 50 triệu đồng tiền bán heo, bò của vợ", ông Phẩm nhớ lại.
Sau lần đó, ông Phẩm về lại quê và bén duyên với nghề trồng mai vàng. Ông kể, trong lần đi kéo đất phù sa thuê cho các hộ trồng mai, ông gặp được ông Sáu Sự - một trong những người trồng mai nổi tiếng ở làng mai truyền thống thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn và được ông này chỉ cho bí kíp trồng mai.
"Ngày đó, bán một chậu mai vàng bán dịp Tết mà ông Sáu Sự mua được gần một chỉ vàng, trong khi mình làm cả năm chưa chắc dư được vài chỉ. Mê quá, tôi về bàn với vợ mua mai giống về trồng kín hết vườn nhưng thực sự là đến 10 năm sau mới có thu hoạch", ông Phẩm bộc bạch.
Ông Phẩm chia sẻ thêm, trước đây, gia đình ông nghèo nhất làng nhưng vợ chồng quyết không để các con thất học.
"Có người nói tôi bị "khùng", nghèo rớt mồng tơi mà cứ cho con đi học. Bốn người con tôi ăn học, thành tài như ngày hôm nay, tất cả là nhờ cây mai. Bây giờ hàng xóm nói vui rằng tôi giờ sướng nhất làng", ông Phẩm nói.
Theo ông Phẩm, để có nhiều khách hàng, ông tự học hỏi, sáng tạo ra nhiều dáng thế mai bonsai đẹp mắt, hình dáng độc, lạ giống hình nhiều loại vật, hoặc có bộ đế rất "quái". Quan trọng hơn, mỗi tác phẩm bonsai mà ông tạo ra đều tính đến yếu tố phong thủy với mong muốn mang đến tài lộc cho gia chủ.
Đặc biệt, tác phẩm mai bonsai của ông được khách hàng chọn lựa vì hoàn toàn dùng bằng phân thuốc sinh học, không dùng chất hóa học.
"Thuốc trừ sâu sinh học đắt tiền hơn nhiều so với thuốc hóa học nhưng sử dụng an toàn. Ngoài ra, cây mai chăm sóc theo phương pháp này ít bị rụng hay vàng lá, màu hoa lại tươi, hoa bền, thời gian nở kéo dài hơn. Hiệu quả kinh tế từ việc trồng mai sạch cao hơn nhiều so với trước đây", ông Phẩm khẳng định.
Về bí quyết để có chậu mai bonsai dáng thế độc lạ, ông Phẩm chia sẻ: "Người trồng bonsai phải có con mắt tinh tường, nhìn vào cây là biết tạo dáng thế kiểu gì. Bây giờ để tạo ra một cây bonsai có bộ đế, bộ rễ đẹp cũng rất dễ nếu có kỹ thuật. Khuyết chi cành thì ghép chi, rễ thiếu cũng ghép, hoặc có thể sắp xếp rễ theo ý tưởng.
Ông Phẩm chia sẻ thêm, cây mai không nên ham cho "ăn" nhiều phân, có thể ngộ độc, khiến cây chết dần. Trước khi cắt tỉa cành, tuyệt đối không tưới phân, đồng thời phải bơm thuốc siêu đâm chồi. Sau 3 ngày, thuốc ngấm trong cây mai khi cắt cành sẽ nứt chồi cực nhanh, khỏe.
Ông Phẩm hy vọng sẽ có nhiều nông dân trồng mai ở quê hương làm được loại hình nghệ thuật này để tăng thu nhập.
"Một mình tôi giàu thôi không đủ mà tôi muốn cả làng cùng làm giàu. Tôi đã chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ người muốn học hỏi", ông Phẩm nói.
Với thâm niên hơn 30 trồng mai thương phẩm, sau đó chuyển qua bonsai, nông dân Đỗ Văn Phẩm là một trong số ít nghệ nhân trồng mai ở xã Nhơn Hậu là Hội viên Hội sinh vật cảnh Việt Nam.