Trồng lúa kiểu mới cho thu nhập cao, nông dân ở nhà trông cháu vẫn có tiền

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Thấy được những hiệu quả tích cực từ diện tích lúa thí điểm, nhiều nông dân ở Đồng Tháp muốn được sớm tham gia đề án để tăng thu nhập và có môi trường sống trong lành.

Sau một thời gian triển khai trồng gần 50ha ở huyện Tháp Mười theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đạt kết quả tốt, UBND tỉnh Đồng Tháp dự kiến mở rộng diện tích trồng lên 50.000ha vào năm 2025. 

Trồng lúa kiểu mới cho thu nhập cao, nông dân ở nhà trông cháu vẫn có tiền - 1

Thông tin vùng lúa thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng Tháp (Ảnh: Nguyễn Cường).

Vụ đầu tiên bội thu

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích lúa thí điểm trên địa bàn Đồng Tháp đã có vụ đầu tiên bội thu, đang bước sang vụ thứ 2 thuận lợi.

Trồng lúa kiểu mới cho thu nhập cao, nông dân ở nhà trông cháu vẫn có tiền - 2

Cơ giới được áp dụng trong mọi khâu canh tác (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cụ thể, vụ thu đông vừa qua, đề án đã chọn hơn 43ha đất lúa trong ô bao của 20 hộ dân ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười để thí điểm. Mùa vụ xuống giống từ tháng 6, đã thu hoạch trong tháng 9.

Với quy cách canh tác mới, mỗi ha lúa nông dân tiết kiệm hơn 1,6 triệu đồng chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận hơn 4,5 triệu đồng, tương đương 181% ruộng đối chứng. Năng suất bình quân đạt 6,13 tấn/ha, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt 5,88 tấn/ha.

Nhờ kỹ thuật sạ hàng và sạ cụm, lượng giống được cắt giảm hơn 50%, từ 150kg giống/ha với cách làm truyền thống xuống còn 70kg/ha; canh tác truyền thống mỗi vụ cần phun thuốc bảo vệ thực vật 9 lần, nay giảm được 2-3 lần; giảm 40%-60% phân bón tùy loại, tương đương mỗi ha giảm 86kg Ure, 56kg DAP, 32kg Kali.

Cơ giới đồng bộ được áp dụng trong tất cả các khâu, nhờ đó nông dân tiết kiệm được 20-30% ngày công lao động. Diện tích lúa thí điểm cũng được kết nối với doanh nghiệp bao tiêu, bán được cao hơn thị trường 100-200 đồng/kg lúa.

Không chỉ vậy, theo kết quả tính toán từ Viện Môi trường Nông nghiệp, ruộng thí điểm giảm phát thải bình quân 4,92 tấn CO₂ (tương đương)/ha/vụ nhờ áp dụng tưới ngập khô xen kẽ. Rơm rạ không bị đốt như truyền thống mà được xử lý vùi trả lại dinh dưỡng cho đất đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường và giảm phân bón cần sử dụng.

Trồng lúa kiểu mới cho thu nhập cao, nông dân ở nhà trông cháu vẫn có tiền - 3

Thiết bị công nghệ cao đo mực nước trên ruộng lúa (Ảnh: Nguyễn Cường).

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, ngay khi thu hoạch vụ đầu tiên, địa phương đã tổ chức hội thảo đầu bờ, hội nghị về đề án. Nông dân đều nhận thấy hiệu quả rõ rệt nên rất nhiều người ngoài vùng thí điểm muốn được tham gia.

Hiện mô hình thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp đã cho xuống giống mùa vụ thứ 2 vào ngày 10/10, dự kiến sẽ thu hoạch ngày 21/1/2025. Mùa vụ đông xuân này, diện tích thí điểm mở rộng lên 50ha, có 24 hộ tham gia.

Nông dân mừng vì môi trường cải thiện, thu nhập tăng cao

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, là đơn vị trực tiếp canh tác thí điểm rất phấn khởi với thành công vụ mùa đầu tiên của đề án. Ông Hùng cho biết, làm ruộng theo cách mới, lúc đầu nông dân còn bỡ ngỡ, nhưng nay đã nắm vững kiến thức sau thời gian tập huấn. Giờ xã viên nào cũng biết dùng điện thoại thông minh để ghi nhật ký chăm sóc lúa.

Trồng lúa kiểu mới cho thu nhập cao, nông dân ở nhà trông cháu vẫn có tiền - 4

Sâu bệnh được theo dõi bằng máy móc (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Làm lúa giờ khỏe lắm, máy làm mọi thứ, kể cả việc kiểm tra sâu bệnh, mực nước trong ruộng nên HTX không cần người trẻ, ông già bà cả đều làm được. Có thể những mùa vụ tới nông dân như tôi chẳng còn phải lội chân xuống ruộng nữa. Rất nhiều nông dân ngoài vùng thí điểm cũng thấy rõ hiệu quả, đã liên hệ muốn được tham gia cùng", ông Hùng nói.

Ông cho biết thêm, ngày trước mỗi vụ cấy sẽ tốn hết 10 ngày, nhưng nay máy móc xuống, chỉ 2 ngày là xong hết. HTX tập hợp được đông thành viên, làm ra sản lượng nhiều, vì thế mà đàm phán được giá bán lúa với nhà máy, không sợ thương lái ép giá. Mùa vụ vừa rồi, tính ra mỗi kg lúa đầu tư hết 3.500 đồng, nhưng bán được 8.500 đồng, nông dân lãi hơn rất nhiều so với việc mạnh ai nấy làm.

Ngoài hiệu quả kinh tế - xã hội, ông Hùng cho biết với cách canh tác mới, sử dụng ít phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường đang được cải tạo, dần trở nên tốt hơn. Nông dân cũng có ý thức bảo vệ môi trường hơn ngày trước rất nhiều.

Trồng lúa kiểu mới cho thu nhập cao, nông dân ở nhà trông cháu vẫn có tiền - 5

Nông dân bón phân cho lúa bằng máy (Ảnh: Nguyễn Cường).

Lão nông Mai Văn Đởm (65 tuổi, ngụ xã Láng Biển) có 5ha ruộng lúa, trong đó 2,4ha nằm trong vùng thí điểm của đề án. Vì là người nhiều ruộng, một nửa canh tác theo cách cũ, một nửa canh tác theo cách mới, nên lão nông là người rõ hơn ai hết hiệu quả của đề án.

"Làm nhàn hơn, lãi nhiều hơn, môi trường trong lành hơn. Chưa nói đến hiệu quả kinh tế, chỉ cần môi trường cải thiện, con cháu sau này được sống trong lành là vui lắm rồi", ông Đởm nói về cách canh tác mới.

Với cách canh tác trước đây, hàng ngày ông Đởm đều phải ra đồng. Nhưng nay, hầu như ông được ở nhà trông cháu, đã vậy tiền lãi còn nhiều hơn ngày trước.

Hiện Đồng Tháp có sản lượng lúa hàng năm gần 3,5 triệu tấn, đứng thứ 3 cả nước. Tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 161.000ha lúa chất lượng cao, chiếm gần 1/6 tổng diện tích đề án. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ ưu tiên nguồn lực, thực hiện chính sách ưu đãi để củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng canh tác lúa tham gia Đề án, nhất là hạ tầng về thủy lợi.

Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt nhằm định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả. Đề án đang triển khai thí điểm ở các địa phương gồm Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Trà Vinh.