Bẻ kèo nhau trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân và doanh nhân đều thiệt
(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân (Đại học Cần Thơ), trong chuỗi giá trị lúa gạo, lợi ích bền vững chỉ xuất hiện khi tất cả các thành tố đều được lợi, chuyện bẻ kèo nhau sẽ khiến tất cả thiệt thòi.
Ngày 25/10, tại Hậu Giang diễn ra hội thảo Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo.
Hội thảo nhằm mục đích tìm giải pháp cho các chủ thể trong hệ sinh thái nông nghiệp gồm chính quyền, nông dân, doanh nghiệp đưa ra tiếng nói chung, nhằm tăng hiệu quả chuỗi giá trị ngành hàng. Từ đó góp phần giúp các tỉnh miền Tây thực hiện tốt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ - cho biết chuỗi giá trị lúa gạo là hệ sinh thái mà các thành tố doanh nghiệp, thương lái, nông dân liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy không thể có chuyện một thành tố nào đó có lợi lâu dài khi những nhóm khác chịu thiệt.
Theo ông Nhân, chuỗi giá trị lúa gạo chỉ phát triển khi tất cả các thành tố đều được lợi. Dù vậy, trên thực tế chuyện các bên bẻ kèo nhau trong quá trình hợp tác vẫn luôn hiện hữu.
Tiến sĩ Nhân diễn giải, trong chuỗi giá trị nông nghiệp, nông dân ở cấp độ thấp nhất, họ ít thông tin, ít nguồn lực, vì vậy họ thiệt thòi. Theo ông, để phát triển, nông dân cần liên kết với nhau trong hợp tác xã (HTX), các HTX cần liên kết với nhau để gia tăng nguồn lực và sức cạnh tranh.
Các HTX cần đổi mới, lãnh đạo phải nâng cao hiểu biết, từ đó mới tìm kiếm được nhiều lợi ích cho xã viên. Để mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trở nên công bằng hơn, ông Nhân cũng đề xuất sự vào cuộc sâu hơn của thành phần trung gian là chính quyền và các cán bộ khuyến nông.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc HTX Nông Nghiệp Trung Hiếu Phát cũng cho rằng, nông dân thiệt thòi vì thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu vốn. Trong chu trình sản xuất lúa gạo, nông dân bị phụ thuộc quá nhiều.
Ông Hiếu kể, HTX của ông có 88 xã viên, mỗi năm sản xuất 2.000 tấn lúa, từng liên kết với nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lúa gạo lớn bậc nhất miền Tây. Nhưng rồi khi thị trường biến chuyển, liên kết đổ bể, nông dân là bên chịu thiệt.
Vì không mang lại nhiều lợi ích, HTX khó mở rộng quy mô. Để khắc phục phần nào sự bất công trong mối quan hệ sản xuất - tiêu thụ lúa gạo, mới đây HTX của ông Hiếu đã quyết định mời nhiều thương lái tham gia làm xã viên.
Ông Quách Hữu Tài, Giám đốc Công ty đầu tư phát triển nông nghiệp Tài Nông VN cũng thừa nhận thực tế thị trường diễn ra đúng như Tiến sĩ Nhân nói.
"Doanh nghiệp ở đầu chuỗi giá trị, nông dân ở phía sau. Tuy nhiên đây là mối quan hệ cùng nhau tồn tại và phát triển. Nông dân đưa lại lợi ích cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng hỗ trợ nông dân trong rất nhiều vấn đề như vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm", ông Tài nói.
Ông Tài chia sẻ, 5 năm qua, doanh nghiệp của ông đã đầu tư, bao tiêu cho khoảng 3.600ha lúa ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang. Không ít lần doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư hạ tầng, kỹ thuật và cho nông dân vay vốn, nhưng cuối mùa lúa lại bị bán cho đơn vị khác.
"Những hành động đó của nông dân không chỉ khiến doanh nghiệp mất vốn mà còn mất luôn uy tín và cơ hội hợp tác với bên phân phối sản phẩm đầu ra", ông Tài chia sẻ.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang thừa nhận hiện nay liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo, thậm chí xảy ra nhiều vụ thưa kiện. Chính vì vậy tỉnh Hậu Giang đã thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo Hậu Giang để làm đầu mối liên kết nhằm hạn chế tình trạng trên.