Quảng Nam:

Trồng giống gạo lạ, người phụ nữ biến ruộng hoang thành cánh đồng "vàng"

Ngô Linh

(Dân trí) - Bỏ phố về quê, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1986) đã biến cánh đồng hoang thành nông trại lý tưởng, làm nông nghiệp sạch và phát triển du lịch xanh.

Trồng gạo tím than bên lò gạch cũ

Có giai đoạn, khá nhiều ruộng lúa tại vùng Đông huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị bỏ hoang hóa vì trồng lúa theo cách truyền thống không hiệu quả. Những lần về quê đi ngang qua nơi này, chị Lê Thị Thanh Nga đều cảm thấy tiếc nuối và suy nghĩ phải làm gì đó để biến cánh đồng hoang này thành cánh đồng "vàng".

Năm 2019, sau khi tìm hiểu, khảo sát thổ nhưỡng, thủy lợi khắp vùng đất Duy Xuyên, chị Nga cùng chồng là anh Boonlert Kamyai (người Thái Lan, kỹ sư chăn nuôi) quyết định dừng chân tại cánh đồng thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh. Chị thuê 2 ha đất này chỉ vì có một lò gạch cũ giữa cánh đồng. Nhìn xa hơn, chị thấy đây là tiềm năng của đất, đồng ruộng và cả cái lò gạch cũ...

"Lúc bấy giờ đang có công việc ổn định là nhân viên văn phòng, khi quyết định về quê làm nông nghiệp, mua lại lò gạch cũ, mọi người đều bảo tôi "hâm". Có thời điểm ba mẹ còn mời thầy cúng để trừ tà. Cái biệt danh "Thị Nở" cũng là do cái lò gạch cũ này, mọi người gọi vui vợ chồng tôi là "Thị Nở, Chí Phèo" thời hiện đại", chị Nga hài hước kể.

Trồng giống gạo lạ, người phụ nữ biến ruộng hoang thành cánh đồng vàng - 1

Sản phẩm gạo tím than của chị Nga được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.

Theo chị Thanh Nga, chị từng cùng chồng đi nhiều nước tìm hiểu phương pháp làm nông nghiệp. Ở nhiều nước, chỉ cần 100m2 đất mà họ nuôi sống cả gia đình, trong khi đó ruộng đất ta nhiều nhưng nông dân vẫn khó khăn.

"Nông dân mình canh tác theo cách truyền thống, dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học… quá nhiều khiến đất dần bạc màu, rồi thành bỏ hoang. Cần thay đổi tư duy, phương thức làm nông nghiệp để khai thác được hết tiềm năng, nâng cao giá trị nông sản ta làm ra…", chị Nga chia sẻ.

Mô hình nông nghiệp mới từ gạo tím than cho thu nhập khá

Trên cánh đồng 2ha, chị Nga trồng thử nghiệm 6 giống lúa tím than và lúa đen ở các vùng miền trong cả nước theo phương thức sản xuất hữu cơ. Trong thời gian ngắn, vùng đất cằn cỗi trở nên màu mỡ. Sau khi chọn lọc, chị quyết định canh tác lúa tím than vì thấy phù hợp với ruộng đất này.

Gạo tím than được xem là "vua" của các loại gạo, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều chất có khả năng thanh lọc cơ thể, kháng ung thư, giá thành cao, được thị trường ưa chuộng nhưng rất ít nơi trồng, hầu hết đều nhập từ nước ngoài.

Trồng giống gạo lạ, người phụ nữ biến ruộng hoang thành cánh đồng vàng - 2

Sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào.

Giống gạo tím than có thời gian canh tác khoảng 120 ngày. Cách gieo trồng, chăm sóc cũng không khác mấy so với các loại lúa khác nhưng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Chị Nga dùng vịt, nuôi cá để tiêu diệt ốc bươu vàng, sâu bệnh, cỏ dại, rồi nấu dung dịch riềng, ớt phun cho lúa để phòng trừ bệnh. Những yếu tố này giúp gạo tím than đảm bảo sạch và góp phần bảo vệ môi trường.

Nhờ áp dụng bài bản quy trình thâm canh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; năm 2021 với 5 ha đất sản xuất, cơ sở cung ứng ra thị trường 40 tấn gạo tím than thương phẩm và một số sản phẩm từ loại gạo đặc sản này như sữa gạo đen, rượu gạo đen, gạo lứt đen sấy rong biển...

Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chị thu về hơn 600 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương, với mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Quảng bá sản phẩm nông nghiệp bằng du lịch

Với lò gạch cũ nằm giữa cánh đồng lúa, chị Nga đã cho cải tạo thành địa điểm chụp ảnh check-in, vừa kết hợp du lịch đồng thời quảng bá những sản phẩm nông nghiệp mình làm ra. Nơi đây từng "làm mưa, làm gió" trên khắp mạng xã hội, báo chí với "view" độc lạ, trải nghiệm độc đáo giữa không gian thoáng đãng, xanh mát.

Trồng giống gạo lạ, người phụ nữ biến ruộng hoang thành cánh đồng vàng - 3

Vịt di chuyển giữa những cây lúa làm đất tơi xốp, lúa trổ đòng thì vịt cũng đủ ngày xuất bán, nguồn lợi kép…

Chị Nga cho hay, "Lò gạch cũ farmstay" là ý tưởng dựa trên những nhu cầu cấp bách về nông sản sạch, gạo sạch và xu thế phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Thông qua du khách đến tham quan lò gạch, chị đã lồng ghép giới thiệu nông sản của nông trại và các dịch vụ kèm theo như cà phê, ẩm thực, lưu trú, trải nghiệm cuộc sống dân dã chốn đồng quê…

Theo chị Nga, xưa nay nhiều người thường có tư duy tìm kiếm khách hàng, nhưng chưa chú trọng việc sao để khách hàng tự tìm đến. Farmstay của chị đang phát triển với mục tiêu như vậy và hiện tại sản phẩm của nông trại đã đến được với khách hàng nhiều nơi trên cả nước, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị nông sản do nông dân địa phương tự tay làm ra đồng thời mở ra xu thế phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương.

Trồng giống gạo lạ, người phụ nữ biến ruộng hoang thành cánh đồng vàng - 4

Lò gạch cũ farmstay vừa là điểm du lịch check-in, vừa là nơi chị Nga quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình…

"Du lịch nông nghiệp tuy là xu hướng mới nhưng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rất lớn hiện nay. Quảng Nam chính là mảnh đất màu mỡ cho du lịch xanh, du lịch làng nghề, trải nghiệm nông nghiệp, nhưng vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng của nó. Chỉ cần một ụ rơm, cánh đồng… nếu biết khai thác chúng ta vẫn có thể làm du lịch", chị Nga chia sẻ.

Chị cũng dự định liên kết, chuyển giao kỹ thuật với nông dân địa phương để mở rộng vùng sản xuất gạo tím than, với mong muốn người nông dân thay đổi cách thức canh tác để tăng giá trị của nông sản. Nông dân vừa là nhà sản xuất, vừa chế biến, bán sản phẩm và là hướng dẫn viên du lịch trên chính đồng ruộng của mình, tức là "xuất khẩu" nông sản tại chỗ. Như vậy, giá trị nông sản sẽ cao hơn, được khai thác triệt để. 

"Tôi cũng đang có ý định tổ chức các phiên chợ theo tuần tại đây, để nông dân quảng bá nông sản và có cơ hội tiếp cận khách hàng bán sản phẩm. Vợ chồng tôi mong muốn nơi đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra nhiều nơi, giúp cộng đồng cùng hưởng lợi. Mong muốn đưa hình ảnh quê hương đi muôn nơi", chị Nga cho hay.