Bình Định:
Được tặng 7 cây sâm trồng thử, bất ngờ thu bạc tỷ
(Dân trí) - Tình cờ được người bạn tặng 7 cây sâm, anh Tâm ở Bình Định trồng thử nghiệm rồi nhân rộng thành vườn sâm 14.000 cây. Hiện cây sâm chuẩn bị thu hoạch và ước tính có lãi trên 400 triệu đồng/năm.
Thuần hóa giống sâm "tiến vua"
Anh Trần Minh Tâm (42 tuổi, ở tổ 4, khu vực Kim Châu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) được biết đến là người đầu tiên đưa sâm bố chính (dân gian gọi là sâm "tiến vua") về trồng tại địa phương.
Chia sẻ về cơ duyên đến với cây sâm, anh Tâm kể, trước đây anh làm đủ nghề từ thợ mộc, đến trồng cây cảnh, trồng nấm nhưng đều thất bại.
Đầu năm 2021, tình cờ được một người quen chạy xe tải đường dài tặng 7 cây sâm bố chính giống lấy từ tỉnh Quảng Bình về, anh đã trồng thử.
Nhận thấy giống sâm này dễ trồng, lại đang có tiềm năng trên thị trường nên anh bắt đầu lên mạng tìm hiểu và quyết định đầu tư.
Đến nay, gia đình anh Tâm trồng được 14.000 cây trên diện tích 7.000m2, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.
"Năm 2021, nếu không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, chắc chắn tôi chẳng có thời gian để bận tâm đến loại cây trồng này. Tuy nhiên, đến nay tôi vui vì mình đã vượt qua những khó khăn ban đầu. Bao công sức, tiền bạc bỏ ra bây giờ có thể đã có những đền đáp. Hiện cơ bản cây sâm tôi trồng gần như thuần hóa với thổ nhưỡng ở Bình Định, cây phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch", anh Tâm nói.
Theo anh Tâm, khi hiểu được đặc tính thì cây sâm cũng rất dễ trồng nhưng để đạt năng suất cao phải có sự đầu tư kỹ lưỡng. Đặc biệt, chú trọng vào khâu làm đất, tránh mang mầm bệnh, tuyến trùng gây hại cho cây.
"Việc chăm sóc cây không có gì phức tạp, chỉ cần thường xuyên dọn cỏ, tưới nước đủ ẩm, nhất là trong thời gian mới trồng. Song người trồng cũng phải thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá, côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời", anh Tâm nói.
Anh Tâm cũng lưu ý, do đây là cây dược liệu nên phải xác định nguồn phân bón để đảm bảo cây trồng không có bất kỳ hóa chất tồn dư nào.
Sau vụ này, nếu thành công, anh Tâm sẽ mở rộng quy mô sản xuất, giúp đỡ kỹ thuật cho bà con và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
14.000 gốc sâm, lãi 400-500 triệu/năm
Anh Tâm cũng chia sẻ quá trình trồng cây, chăm sóc theo lối canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, dược tính sâm rất cao, bảo đảm an toàn sức khỏe người sử dụng.
Theo anh Tâm, sâm củ sau khi thu hoạch phân thành 4 loại, với giá bán khác nhau, loại 1 (4 củ/kg) có giá 750.000 đồng/kg, loại 2 (5 củ/kg) giá 700.000 đồng/1kg, loại 3 (6 củ/kg) giá 500.000 đồng/kg và loại 4 (7-8 củ/kg) có giá 400.000 đồng/kg.
Anh Tâm nhẩm tính, 14.000 gốc sâm hiện có của gia đình, mỗi gốc từ 0,2-0,3kg, với giá bán như hiện nay (từ 400.000 - 750.000 đồng/kg củ sâm tươi), sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 400-500 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Tâm còn cung cấp cây giống cho các hộ dân ở địa phương, với giá bán 10.000 - 15.000 đồng/cây, đem lại thu nhập khá tốt.
Hiện anh Tâm cũng đã làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ để xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm vườn nhà.
Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, đối với người dân thị xã An Nhơn, sâm bố chính là loại cây trồng hoàn toàn mới.
Bước đầu, loại cây trồng này cho thấy sự thích nghi tốt với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng ở đây, đem lại giá trị kinh tế cao. Việc đưa loại dược liệu này vào trồng thử nghiệm đã làm đa dạng hóa các loại cây con trên địa bàn thị xã.
Qua đó, từng bước thay thế các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Đặc biệt, người dân ở đây sẽ có thêm sự lựa chọn để đưa giống cây sâm bố chính vào phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập.
Sâm bố chính, còn gọi là sâm Thổ Hào, là một loài thực vật có hoa trong họ cẩm quỳ.
Sâm Thổ Hào trước kia có nguồn gốc tại Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An. Qua thời gian, những gốc sâm Thổ Hào tự nhiên bị khai thác dần cạn kiệt.
Loại sâm này từng được mệnh danh là sâm "tiến vua" từ thế kỷ 14, được danh y Hải Thượng Lãn Ông dùng làm thuốc lần đầu tiên tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nên còn có tên gọi là sâm bố chính.