Trở thành cô chủ từ… 20kg đường

Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị: Gương mặt phúc hậu, hai lúm đồng tiền hút ánh nhìn người đối diện. Ít ai ngờ rằng người phụ nữ còn rất trẻ này đã phải trải qua những nỗi bất hạnh, khổ đau đến tột cùng. Chị đã vượt lên tật nguyền để trở thành chủ cơ sở khảm trai mỹ nghệ có tiếng khi mới 24 tuổi...

Tập đi bằng... tay

 

Mới vào đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh lách cách của dùi đục vọng ra. Cô chủ Hương đang mải mê hướng dẫn cho học trò của mình chạm khắc hình bông hoa mai. Nhìn vào cơ ngơi sản xuất khảm trai đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, với trên 20 công nhân làm công ăn lương, ít ai ngờ “bà” chủ trẻ lại là một cô gái tật nguyền.

 

Sinh năm 1970 trong một gia đình có 7 anh em, năm lên 1 tuổi, cả nhà cuống cuồng đưa Hương đến bệnh viện vì bị trúng gió ngất đi. Chẳng biết vì bệnh tình hay vì bị tiêm nhầm thuốc mà đôi chân của Hương cứ teo lại, dần dần bất động không đi lại được nữa. Mọi cố gắng đều như vô vọng. Hương chỉ nằm một chỗ, không tự ngồi được, bố mẹ phải buộc chị vào thành giường. Nhìn đứa con mới tí tuổi đầu bị “trói” gô lại, suốt ngày bị “nhốt” trên chiếc giường, bố mẹ Hương chỉ biết khóc thầm.

 

Không được đến trường, cũng chẳng có bạn bè, nỗi cô đơn, mặc cảm tự ti ngày càng đè nặng lên đôi vai mỏng manh ấy. Thấy bạn bè tung tăng chơi đùa, chạy nhảy, cô bé Hương càng thu mình lại trong thế giới riêng của mình. Cả năm trời Hương chẳng ra khỏi nhà lấy một phút, chỉ biết “lê lết” quanh nhà, từ góc nọ đến góc kia và nhìn chúng bạn qua ô cửa sổ nhỏ.

 

Buồn là thế, nhưng niềm khát khao được đi, được đến trường vẫn như ngọn lửa âm ỉ trong tim cô gái trẻ. Một buổi sáng thức dậy, thấy bọn trẻ hàng xóm đang chơi trò “rồng rắn lên mây”, cô “thèm” được chạy nhảy đến nao lòng. Lại nghĩ đến những lúc bố mẹ vất vả cõng mình, Hương quyết định phải tập đi bằng đôi tay còn lành lặn.

 

Được mẹ mua cho đôi guốc gỗ, Hương xỏ hai tay vào rồi cố lê để nâng cả thân hình khỏi mặt đất. Đôi tay cứ mềm như lá lúa, có lúc bị sưng tấy, đau nhức phải đắp thuốc nhiều ngày nhưng Hương vẫn kiên trì tập luyện.

 

Hương kể, những tháng ngày luyện đi bằng đôi tay nhỏ bé là những “dấu ấn” mà cả cuộc đời chị sẽ không thể quên. Kiên trì tập luyện đến lúc đôi tay có những vết trai sần nổi cục, Hương cũng đã đi những “bước đi” đầu tiên trong đời.

 

Đôi tay gầy vẽ nên cuộc đời

 

Khi việc tập đi bằng đôi tay đã “thành thục” Hương vui lắm. Ngày nào cô cũng lê đôi guốc gỗ trên hai tay và đi chơi khắp làng. Chị đi cho thoả những ngày đã trôi qua trên chiếc giường chật hẹp. Những bước như tiếp thêm cho Hương nguồn sinh lực mới. Cô yêu đời hơn, ham muốn được đi học, ham muốn làm việc như mọi người. 

 

Hiện nay cơ sở khảm trai của Hương, ngoài 20 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương hàng tháng khoảng 600 nghìn đồng, cơ sở của cô còn nhận dạy nghề cho 20 - 40 thanh niên trong và ngoài tỉnh (đa số là những lao động nữ).

Ngày bố mẹ dắt Hương đến trường xin học, nhà trường lắc đầu không nhận một cô học sinh vừa quá tuổi vừa bị tật nguyền. Tủi thân ghê gớm, nhưng cô bé gan dạ này không rơi một giọt nước mắt. Cô nói với bố mẹ mình “nếu con không thể đi học, bố mẹ hãy cho con đi làm”. Bố mẹ Hương đã phải tròn mắt ngạc nhiên trước lời đề nghị của cô con gái. Họ không biết con mình sẽ làm được gì?

 

Hương càng làm cho bố mẹ ngạc nhiên hơn khi “biểu diễn” cho họ thấy tài năng đan lá mía thành phên của mình. Thì ra, trong những ngày tập đi khắp làng, Hương đã học lén được nghề đan lá mía.

 

Nhớ lại ngày đầu đi làm, chị nói: “Đi làm thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng đồng tiền kiếm được bằng chính mồ hôi nước mắt của mình khiến tôi tin vào cuộc sống hơn”. Vốn khéo tay, những tấm phên Hương đan luôn được trả giá cao nhất. Vừa có niềm vui mới nhờ công việc, đùng một cái, người ta không mua phên từ lá mía nữa, Hương lại lâm vào cảnh thất nghiệp.

 

Sẵn dành dụm được chút ít vốn liếng có từ thời đan phên  thuê, Hương xin bố mẹ mở quầy tạp hoá. Khi đó Hương vừa bước sang tuổi 18.

 

Xinh xắn, cởi mở, nhiệt tình, quầy hàng của chị lúc nào cũng đông khách. Và trong thời gian này, trái tim của cô gái trẻ đã “loạn nhịp” khi quen với một chàng trai cùng xã. Hắn rủ chị rời quê đi làm ăn xa, chị đồng ý. Không dám nói với cha mẹ, Hương lấy hết số tiền mình ki cóp được cùng người yêu vào Sông Bé... Tiêu hết số tiền của cô, gã người yêu mới lộ rõ bộ mặt của một tên sở khanh và bỏ rơi cô bé Hương tội nghiệp...

 

Lập nghiệp từ... 20kg đường

 

“Không ai tin cơ sở khảm trai này của mình được xây dựng từ số vốn ban đầu là 20kg đường trắng”, nói rồi Hương kể lại chuyện hành trình trở thành “bà chủ” của mình. Từ Sông Bé trở về, gia đình, hàng xóm động viên chị đi học nghề khảm trai (vốn là nghề truyền thống của làng).

 

Trở thành cô chủ từ… 20kg đường  - 1

Chị Hương hướng cho dẫn học trò.

Hàng ngày, Hương phải lê từng bước bằng đôi tay để đến quan sát mọi người, rồi vừa học vừa làm theo. Nghề khảm trai không chỉ đòi hỏi sự khéo tay mà còn cần sự kiên nhẫn, tẩn mẩn. Có khi thấy khó, chị chán nản định bỏ học, nhưng lại nghĩ mình tật nguyền thì càng phải học, phải làm cho đỡ khổ. Chỉ sau 3 tháng vừa học, vừa làm Hương đã trở thành một thợ khảm trai có tay nghề cao, được bà chủ giữ lại làm công nhân.

 

Năm 1991, khi mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ khảm trai cao cấp ở Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Tây) được nhiều người đặt hàng, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đấy, Hương nghĩ tới việc mở cửa hàng riêng, nhưng khổ nỗi vốn liếng thì không có.

 

Hỏi vay mượn một vài người mà không ai dám cho cô vay vốn làm ăn. Hương bèn về nhà xin mẹ 20kg đường trắng đem bán lấy vốn nhập hàng thô về làm. Cứ thế, ngày đi làm thuê, đêm về chị nhận các bộ bàn ghế chưa khảm trai để làm. Cặm cụi gần 3 năm trời Hương đã mua được căn nhà trị giá 17 triệu đồng để làm cơ sở riêng với 20 nhân công làm việc thường xuyên...

 

Trở thành bà chủ, Hương không chỉ nghĩ đến làm hàng mà chị còn nghĩ đến việc dạy nghề cho thanh niên trong vùng. Hàng khảm trai do xưởng của chị làm ra, đẹp về mẫu mã mà giá lại rẻ hơn so với các cơ sở khác trong làng nên tiêu thụ rất nhanh.

 

Tạo dựng được uy tín, chị đứng ra “chiêu sinh”, dạy nghề. Người từ các địa phương khác tìm đến học nghề ngày càng đông. Lúc đầu họ ái ngại khi nhìn thấy một “cô giáo” tật nguyền, nhưng tận mắt chứng kiến những mẫu khảm trai tinh xảo do chị làm ra, họ hoàn toàn bị thuyết phục.

 

Cô học trò Nguyễn Minh Phương đến từ Hà Nam tâm sự: “Học nghề ở đây chúng em còn học được rất nhiều điều từ cô Hương. Nghị lực sống, làm việc của cô khiến bất kỳ một người bình thường nào cũng phải thán phục. Cô Hương là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại mà em tin”…

 

Hồng Hải