Triệu phú từng đưa lợn lên núi bằng cáp treo, gọi về bằng "mật hiệu"
(Dân trí) - Trở về sau thời gian lao động ở nước ngoài, anh Đinh Viết Tuấn (Nghệ An) quyết định khởi nghiệp bằng chăn nuôi lợn. Mô hình nuôi lợn rừng theo hướng hoang dã mang lại cho ông chủ trẻ kết quả bất ngờ.
Khởi nghiệp ở vùng núi hoang sơ
Sau nhiều năm làm việc tại Ba Lan, anh Đinh Viết Tuấn (36 tuổi, xã Tam Đỉnh, huyện Anh Sơn, Nghệ An) quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Anh chọn một thung lũng rộng lớn, hoang sơ, được bao quanh bởi dãy núi đá tại quê nhà làm nơi bắt đầu hành trình mới.
Theo anh Tuấn, khu vực này từng có một số gia đình trồng ngô và sắn, nhưng do khó khăn trong việc vận chuyển, họ đã từ bỏ. Ý tưởng nuôi lợn rừng trong thung lũng được anh ấp ủ từ khi còn ở Ba Lan và đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về đặc tính của loài vật này.
Năm 2022, anh Tuấn bắt đầu thực hiện kế hoạch nuôi lợn. Tuy nhiên, khi đối diện với thực tế, anh mới hiểu vì sao người dân từ bỏ việc trồng trọt tại đây. Để vào được thung lũng, chỉ có cách duy nhất là đi bộ, lách qua các mỏm đá cheo leo, dốc đứng.
Để đưa lợn vào thung lũng, anh tự chế cáp treo, nối từ chân núi lên gần đỉnh với chiếc "ca bin" làm bằng gỗ và máy nổ để kéo dây cáp. Tuy nhiên, cáp chỉ vận chuyển được lên đỉnh núi, từ đỉnh xuống thung lũng, anh Tuấn phải cuốc bộ khiêng từng con lợn.
"Chúng tôi gồm 7 người, trầy trật mất 8 tiếng chỉ để đưa 16 con lợn vượt qua núi đá vôi vào khu chăn nuôi", anh Tuấn nhớ lại.
16 con lợn rừng được thả vào môi trường hoang dã với diện tích khoảng 100ha, tự tìm thức ăn để sống. Thỉnh thoảng, anh Tuấn bổ sung thêm chuối, ngô hạt và mía cho lợn. Theo anh, điều kiện sống trong môi trường tự nhiên giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh, cho thịt ngon, chắc.
Cũng nhờ khu vực này cách biệt với khu dân cư nên việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn cũng trở nên dễ dàng hơn. Để duy trì và nhân giống đàn lợn, anh nuôi thêm nhiều lợn nái, cho sinh sản đều đặn. Việc sử dụng thức ăn hoàn toàn tự nhiên cũng giúp thịt lợn thơm và đậm vị hơn so với cách nuôi thông thường.
Trở thành triệu phú từ đam mê và sáng tạo
Mặc dù nuôi theo hình thức hoang dã nhưng anh Tuấn cho lợn ăn thêm muối. Ngoài việc bổ sung vi chất, giúp lợn tăng sức đề kháng, muối còn tạo nên phản xạ có điều kiện để anh gọi đàn lợn trong rừng trở về.
Để "thị phạm" cho chúng tôi, anh Tuấn đứng trên mỏm đá cao, bắc tay lên miệng làm loa, cất tiếng gọi. Từ trong rừng, đàn lợn chạy lon ton trở về, vây quanh ông chủ trẻ.
"Lợn sống trong rừng là chủ yếu, kể cả khi phối giống, sinh đẻ. Mấy con lợn nái này cũng vậy, tự làm ổ, tự sinh con, khi con cứng cáp thì dẫn cả đàn về", chỉ vào con lợn mẹ đang ăn ngô cùng đàn lợn con khoảng 1 tháng tuổi, anh Tuấn nói.
Sau 2 năm khởi nghiệp, anh Tuấn đã mở rộng đàn lợn lên gần 200 con, xuất bán cả lợn thịt và lợn giống. Mỗi con lợn sau một năm nuôi có thể đạt trọng lượng khoảng 25kg. Với giá bán 220.000-250.000 đồng/kg, trung bình mỗi con lợn rừng mang về cho Tuấn 5-6 triệu đồng.
Mặc dù chủ yếu tập trung vào việc nhân giống, nhưng anh Tuấn đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc bán lợn.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển trang trại, anh Tuấn còn mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các nền tảng mạng xã hội. Anh chia sẻ các clip về đàn lợn rừng của mình, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Với những thành công ban đầu, anh Tuấn cho rằng mô hình nuôi lợn rừng theo cách hoang dã không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm chi phí, giúp tăng trưởng đàn lợn nhanh chóng.
"Mô hình này phù hợp với nhiều vùng núi có địa hình tương tự. Nếu ai có nhu cầu tìm hiểu và phát triển mô hình này, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm", anh Tuấn cho biết.
Với sự sáng tạo và đam mê khởi nghiệp, anh Tuấn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bản thân mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người khác về đổi mới trong phát triển nông nghiệp hiện đại.
"Mô hình nuôi lợn rừng của anh Tuấn rất mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Qua 2 năm cho thấy, mô hình chăn nuôi này phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây, mở ra một hướng phát triển mới đối với địa bàn có nhiều đồi núi, thung lũng chưa tận dụng hết như xã Tam Đỉnh", ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Tam Đỉnh, thông tin.