Tranh luận kịch liệt về việc: "Tốt nghiệp đại học mà bị... giao gấp bì thư"

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau hai tuần đầu đi làm, nữ cử nhân nghỉ việc với tâm trạng bực bội vì được giao ngồi bỏ thư vào phong bì.

Tình huống được cô Diễm Quyên, nguyên chuyên viên tại Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ kéo theo rất nhiều tranh cãi trái chiều trong tuyển dụng. 

Cô Quyên kể, trước đây, cô xin cho một người bạn tốt nghiệp đại học vào làm tại một công ty bảo hiểm có tiếng. Cô bạn tiếng Anh rất tốt, tuy nhiên những yêu cầu chuyên môn khác thì không có. 

Tranh luận kịch liệt về việc: Tốt nghiệp đại học mà bị... giao gấp bì thư - 1

Bị giao ngồi xếp thư, nữ cử nhân bỏ việc sau hai tuần (Ảnh minh họa)

Vào làm việc, suất tuần đầu tiên, công ty giao cho cô đúng một việc là xếp thư bỏ vào phong bì. Qua tuần thứ 2, cũng chỉ là công việc ấy. Người bạn gọi điện cho cô vẻ bực bội về việc "tốt nghiệp đại học mà cho ngồi bỏ bì thư vào phong bì". 

Tuy nhiên, cô bạn cũng nói thêm, có một người khác vào sau mình mà lại được chuyển sang ngồi bàn làm việc riêng, có điện thoại. Còn mình thì chưa. Sau đó, cô bạn bỏ việc. 

Theo cô Quyên, người quản lý nhận ra thái độ làm việc của cô bạn và người vào sau được phân hỗ riêng, họ nhìn thấy ai là người cần giữ lại.

Quản lý họ rất tinh tường và nếu bạn cứ ì ạch không được cất nhắc thì việc đầu tiên nên làm là nhìn nhận lại cách làm việc và cách ứng xử của mình chứ khoan đã đòi hỏi công bằng.

Cô Diễm Quyên cũng bày tỏ, nhiều bạn trẻ mới ra trường mong muốn có một công việc lương cao nhưng nhàn nhã. Phòng làm việc phải máy lạnh mát rượi, các bạn không chấp nhận bị sai vặt hoặc nghe lời nặng nhẹ...

Trong khi, hiện nay đi làm, theo cô Quyên, không chỉ bằng năng lực, kỹ năng mà còn phải ở cả thái độ. 

Lỗi ở đâu?  

Tình huống trong tuyển dụng này kéo theo rất nhiều tranh luận trên các diễn đàn, trang cá nhân của các nhà quản lý, giáo dục trong những ngày qua. 

Nhiều người phàn nàn, thái độ, tinh thần làm việc của nhiều cử nhân ra trường hiện nay là rất khó hiểu. Mới đi làm, nhiều bạn trẻ đòi lương cao, đòi hỏi môi trường làm việc phải thế này thế nọ nhưng lại thiếu kiên nhẫn, không vừa lòng đủ thứ.

Khi được giao những việc bị xem là vặt, có người ấm ức, khó chịu, làm qua loa đại khái, đối phó hoặc có thể dẫn đến những phản ứng, nghỉ việc... 

Tranh luận kịch liệt về việc: Tốt nghiệp đại học mà bị... giao gấp bì thư - 2

SInh viên tại TPHCM trong ngày hội giới thiệu việc làm 

"Tinh thần khi làm việc, nhất là mới ra trường thì không được ngại việc. Trong môi trường mới, đối với mình cái gì cũng mới kể cả đi lấy thư, xếp thư cũng cho mình cách làm như thế nào để đúng mong đợi của công việc. 

Làm hết trách nhiệm việc được giao và đề nghị được làm thêm những việc khác. Đừng ngại hỏi, đừng ngại đề xuất", chị Nguyễn Thị Hân, phụ trách nhân sự tại công ty hóa dược phẩm ở Q.5, TPHCM bày tỏ và cho rằng, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá nhân sự thái độ, sự kiên trì, tinh thần luôn học hỏi của mình. 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trong tình huống này, vấn đề còn nằm ở nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng chưa chuyên nghiệp, đưa ra những "phép thử" không phù hợp.

Quản lý thiếu tinh tường

Bà Vũ Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Đào tạo một hệ thống trường ngoài công lập cho biết, trong tình huống này, quản lý thiếu sự tinh tường.

Khi nhận sự nghỉ việc cần phải xem lỗi phía quản lý như công việc đã đúng với khả năng của nhân sự chưa? Công ty đã hỗ trợ để họ làm tốt công việc chưa? Có thể sai từ cách quản lý hoặc sai từ khi tuyển dụng. 

Một quản lý bày tỏ quan điểm, thái độ nhân sự công nhận là rất quan trọng nhưng ngược lại ở góc độ quản lý, mình nghĩ nên cho người ta thấy một lộ trình công việc, phát triển rõ ràng. Ở môi trường chuyên nghiệp đều có bộ phận nhân sự hay quản lý chia sẻ với nhân viên điều này ngay từ đầu, để tránh sự hoang mang, mơ hồ. 

"Thời gian không chờ đợi ai nên người ta nghỉ để tìm kiếm môi trường phù hợp hơn cũng là đúng đắn. Chưa kể là sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng, gấp bì thư mãi mà không thấy tương lai hay không học hỏi được kĩ năng gì mới thì cũng nản", người này cho hay. 

Theo chị, bây giờ những bạn trẻ và giỏi, họ không khó để tìm được đúng chuyên môn và phát triển bản thân. 

Tuy nhiên, có người đưa ra những góc nhìn khác về tình huống này. Có thể, ngay từ đầu, ứng viên này đã "mất điểm" vì được nhận vào làm theo con đường "xin - cho". Có thể công ty họ không có nhu cầu tuyển ứng viên này.

Nếu một nơi thực sự muốn tuyển người làm được việc, ít khi họ nhận một người "được xin" vào.