1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Ông vua con" thất nghiệp vì... đòi việc nhàn, lương phải cao

Nam Hoài

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ thất nghiệp vài năm trời nhưng không mảy may đến chuyện kiếm việc làm, thậm chí họ còn "rung đùi" sống bằng sự lo toan của cha mẹ.

"Ông vua con"... đi xin việc 

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh từ năm 2017, Nguyễn Văn Quang, quê ở Vũng Tàu, đi làm được mỗi nơi được vài tuần rồi tự chọn cảnh thất nghiệp ở nhà cả năm nay. 

Lý do được Quang đưa ra: Nơi này thì phải lăn lộn ngoài thị trường, nơi kia cần khai thác khách hàng, làm báo cáo vất vả...

Nơi có việc tạm ổn, Quang lại chê mức lương ban đầu không đủ tiền ăn sáng. Có chỗ làm, chỉ cần chút mâu thuẫn nhỏ với đồng nghiệp trong công việc là Quang bỏ ngay. 

Ông vua con thất nghiệp vì... đòi việc nhàn, lương phải cao - 1

Sinh viên tại TPHCM trong một hoạt động giới thiệu việc làm (Ảnh minh họa)

Quang là con trai duy nhất trong gia đình có điều kiện. Bố mẹ mua nhà cho Quang ở Sài Gòn từ lúc còn đi học. Ra trường gần 4 năm, bố mẹ hàng tháng vẫn đều đặn chu cấp tiền để cậu vì mục tiêu "con chờ thời cơ khởi nghiệp".

Không việc làm nhưng Quang vẫn sống dư giả, thậm chí đi du lịch khắp nơi. 

Trường hợp bạn trẻ thất nghiệp vì chê việc như Quang không hề ít. Nhiều người ra trường nhưng thiếu sự chịu khó, chê việc thấp, chê lương không xứng đáng với mình, gặp chút trở ngại là chán... rồi thà thất nghiệp còn hơn.

Anh Nguyễn Văn Trí, quản lý tại một công ty sản xuất kính cường lực ở Q.12, TPHCM cho biết, trong quá trình tuyển người, doanh nghiệp  rất dễ gặp  "ông vua con". Họ không muốn vất vả, muốn an nhàn, sạch sẽ, thơm tho nhưng lương phải cao. 

Có nhiều bạn tuyển vào vị trí kinh doanh, sau được giao xuống xưởng trực tiếp quan sát để nắm được quy trình sản xuất, sản phẩm được vài hôm liền bỏ việc. Các em nói, mình chỉ làm việc ở văn phòng, chứ... không phải để đứng ở xưởng bịu bặm. 

"Ngay khi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, vẫn có những bạn mới ra trường, chưa thể hiện được năng lực gì nhưng lương khởi điểm dưới 10 triệu đồng lại chê không làm việc", anh Trí nói. 

Không trân trọng công việc 

Có một nghịch lý tồn tại lâu nay, tỷ lệ người thất nghiệp cao trong khi các doanh nghiệp vẫn "đốt đuốc" đi tìm nhân sự.

Bên cạnh những nhân sự thật sự gặp khó khăn khi tìm việc, thì vẫn có một bộ phận ở tình trạng chê đủ thứ: Công việc, thu nhập, nơi làm việc, sếp và đồng nghiệp.

Ông vua con thất nghiệp vì... đòi việc nhàn, lương phải cao - 2

Nhiều cử nhân thất nghiệp, không việc làm nhưng ung dung sống bằng trợ cấp từ cha mẹ (Ảnh minh họa)

Chúng ta hay nhắc đến người lao động khó kiếm việc làm vì thiếu kỹ năng, ngoại ngữ. Tuy nhiên đây là những thứ không khó để hoàn thiện, bổ sung trong quá trình học việc, làm việc. Nhưng có thứ thiếu ở nhân sự mà nhiều doanh nghiệp đang "bó tay" là thái độ thiếu nghiêm túc, trân trọng công việc.

Một giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM bày tỏ, 

chính sự lo toan thái quá của phụ huynh làm họ dễ ỉ lại, thiếu trách nhiệm với chính bản thân. 

Ngoài các lý do như chọn nhầm ngành nghề, "ảo tưởng" về bản thân, về bằng cấp, nhiều bạn trẻ dễ dàng "bắt tay" với việc thất nghiệp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là bố mẹ bao bọc, sẵn sàng làm mọi cách để nuôi con. 

Một điều thực tế, nhiều bạn ra trường nhiều năm, không có việc làm vẫn sống ung dung, thậm chí sống sung sướng với trợ cấp từ bố mẹ. Thậm chí, có những người chủ động thất nghiệp để khỏi đi làm, để có thời gian rảnh rỗi để vui chơi và được bố mẹ nuôi. 

Họ là những "ông vua con" trong gia đình và cả khi lớn lên, lại đưa "thái độ" đó vào công việc và vào cuộc đời. 

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia nguồn nhân lực tại TPHCM bày tỏ, ngoài chuyên môn, kỹ năng, doanh nghiệp hiện nay còn đòi ở nhân sự thái độ nghiêm túc, cầu thị, chịu khó với công việc. 

Để tránh thất nghiệp, mọi người đừng ngại ngần bắt đầu những công việc, từ những vị trí thấp. Khi có thái độ làm việc tích cực, mỗi người mới có cơ hội tìm được công việc, vị trí phù hợp để phát triển sự nghiệp lâu dài.