Gia Lai:
Trắng đêm săn "thủy quái", người dân may rủi thu tiền triệu
(Dân trí) - Dọc bờ sông Sê San (Gia Lai) luôn có những cần thủ túc trực ngày đêm săn loại "thủy quái" là cá lăng đuôi đỏ. Nhưng để bắt được loại cá giá trị kinh tế cao này, cần dựa vào kinh nghiệm và cả vận may.
"Săn" loài cá được thực khách đặt hàng
Dòng sông Sê San nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia lai và Kon Tum, với tổng chiều dài sông 237 km. Trên dòng sông này có rất nhiều loại cá lớn, trong đó có loại cá lăng đuôi đỏ - một trong những loài cá quý và giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, người dân trên địa bàn luôn chọn những khúc sông phù hợp để săn loại cá quý này.
Anh Vũ Đình Quỳnh (sinh năm 1982, trú tại thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đã có gần chục năm làm nghề săn "thủy quái". Anh cũng đầu tư hàng triệu đồng vào bộ cần câu để săn loài cá này.
Theo anh Vũ Đình Quỳnh, cá lăng là loài có giá trị nhất trên dòng Sê San. Tuy nhiên, loại cá này lại rất khó bắt vì tập tính loài di chuyển ngược dòng nước và chỉ đi ăn ban đêm. Mấy năm trước, anh đã câu được một con hơn 50 kg. Giờ đây, mỗi lần đi câu, anh chỉ bắt được con dưới 10 kg.
"Nghề câu cá này chỉ là phụ nhưng cũng tạo thêm nguồn thu nhập cho cả gia đình vào mùa giáp hạt. Mỗi ký cá lăng thương phẩm có giá từ 300-400 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, cá tự nhiên rất được khách chuộng và sẵn sàng bỏ số tiền cao để mua. Mỗi đêm chỉ cần câu được 1-2 con là cũng có tiền triệu trong tay rồi", anh Vũ Đình Quỳnh bộc bạch.
Nhóm câu cá của anh gồm 5 người, tất cả ở thị trấn Ia Ly và ai cũng nổi tiếng bởi sự kiên trì, sẵn sàng ôm cần xuyên đêm để bắt cá lăng. Nếu may mắn sẽ trúng được những con cá khủng nặng hàng chục kg.
Đi câu theo nhóm
Ông Phan Văn Phận (53 tuổi, trú tại thị trấn Ia Ly) được cả nhóm bầu làm nhóm trưởng để sắp xếp thời gian, vị trí ngồi câu.
"Một tuần, anh em tập trung đi câu khoảng 3-4 đêm. Trong nhóm nếu ai câu được thì chia sẻ lại ít tiền cho anh em đi, coi như để lấy lộc. Thường mỗi tuần, anh em đi câu cũng thu hoạch được vài triệu đồng tiền cá, còn nếu trúng con cá lăng lớn thì được cả chục triệu đồng là bình thường", ông Phan Văn Phận cho hay.
Theo những người thường trắng đêm săn "thủy quái" - cá lăng đuôi đỏ, ở sông Sê San đang còn nhiều loại cá có khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, ai muốn câu được phải mất vài tháng để học nghề và thông thạo sông nước vùng này.
Nhóm câu của ông Phan Văn Phận có nguyên tắc không được sử dụng kích điện để tận diệt cá. Nếu gặp người kích điện câu cá, nhóm sẽ nhắc nhở hoặc báo chính quyền để xử lý.
Nhờ vậy mà nguồn hải sản trên dòng Sê San luôn dồi dào, mỗi người đi câu mỗi đêm cũng rủng rỉnh kiếm được khoảng 500 nghìn đồng đến một triệu đồng. Nếu ai trúng câu được con cá lăng khủng thì được vài triệu đồng.
Trong đêm, chúng tôi theo nhóm đi câu của ông Phan Văn Phận. Vào lúc 22h, anh Trần Đình Toản (40 tuổi) đã câu được một con cá lăng đuôi đỏ nặng 3 kg.
Rồi đến gần 3h, ông Phan Văn Phận gọi mọi người để phụ kéo con cá nặng gần chục ký đang vùng vẫy dưới dòng nước. Bằng kinh nghiệm và sự khéo léo của trưởng nhóm, con cá lăng đuôi đỏ cỡ "khủng" đã nằm gọn trên bờ.
Mới đây, rạng sáng ngày 2/9, ông Nguyễn Chất Sâm (thị trấn Ia Ly, Chư Păh, Gia Lai) cùng đội công nhân đã câu được 2 con cá lăng đuôi đỏ nặng hơn 60 kg tại lòng hồ Sê San, mỗi con nặng 30 kg.
Đây là lần câu được cá có cân nặng lớn nhất trong nhiều năm qua. Nhờ vậy, ông đã thu được hàng chục triệu đồng từ việc bán 2 con "thủy quái" này.
Theo ông Nguyễn Chất Sâm, vì đây là cá tự nhiên và có trọng lượng lớn nên được nhiều nhà hàng, khách sạn ưa chuộng. "Nhiều người đã hỏi mua nguyên con với giá cao hơn thị trường. Để câu được 2 con cá lớn này, chúng tôi đã vật lộn gần 3 giờ đồng hồ và bằng kinh nghiệm mới không để cá thoát ra", ông Nguyễn Chất Sâm nói.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lương Thị Anh (Tiểu thương chuyên thu mua cá ở xã Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu mua được khoảng từ 100-150 con cá lăng đuôi đỏ với khối lượng từ 5-20 kg. Do ảnh hưởng dịch nên giá cá lăng cũng giảm nhiều, từ 350 nghìn đồng xuống còn 250-280 nghìn đồng/kg đối với giá bán sỉ".
Theo ông Rơ Châm Tâm, Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, người dân ở đây nương nhờ sông Sê San đánh bắt thủy sản mưu sinh. Để đảm bảo an toàn, xã đã cắm các biển cảnh báo những khúc sông nguy hiểm, cắt cử lực lượng tuần tra kiểm soát. Bởi vậy, 3 năm trở lại đây không xảy ra vụ đuối nước nào.
Ngoài ra, xã vận động người dân giao nộp kích điện. Đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng sử dụng kích điện đánh bắt tận diệt thủy sản, để bảo tồn môi trường sinh trưởng tự nhiên của các loài thủy hải sản nói chung và loài cá lăng đuôi đỏ rất quý và có giá trị kinh tế cao.