Trăm nỗi lo dịp Tết, công nhân lơ bánh mứt để cả nhà được ăn no
(Dân trí) - Được nhận phiếu mua sắm ở phiên chợ nghĩa tình trị giá 500.000 đồng, nữ công nhân Kim Bài khệ nệ mang về túi đầy mì gói, gạo, thực phẩm,… để dùng trong mùa Tết.
18h, nữ công nhân Kim Bài (40 tuổi) tan làm, từ nhà máy di chuyển đến phiên chợ nghĩa tình do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức.
Vì thuộc diện người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chị Bài được nhận phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng. Phiên chợ có 26 gian hàng bao gồm các sản phẩm như quà trưng Tết, nước ngọt, bánh, mứt,… khá bắt mắt, nhưng chị Bài chỉ lẳng lặng lướt qua, tiến thẳng đến quầy bán gạo, mì gói.
Dù phiếu mua hàng trị giá đến nửa triệu đồng, chị Bài cũng không mảy may nghĩ đến chuyện sắm Tết.
"Năm nay kinh tế khó khăn, bản thân tôi cũng chủ động tiết kiệm hơn. Bây giờ người lao động dễ mất việc lắm, vì vậy tôi không dám chi tiêu nhiều", chị nói.
Chị Bài làm công nhân ở công ty sản xuất giày da đã hơn 10. Với mức lương hiện tại là hơn 10 triệu đồng/tháng, chị Bài thú nhận thu nhập không còn như trước vì nhà máy thiếu đơn hàng, công nhân như chị không được tăng ca nhiều.
Sống ở thành phố, mọi chi tiêu đắt đỏ nên tiền làm ra chỉ đủ chị sinh hoạt qua ngày, gửi về phụ giúp cho gia đình ở quê nhà một chút.
Rời phiên chợ sau khi kết thúc đợt mua sắm, chị Bài cười xòa khi túi hàng chỉ toàn là mì gói, gạo, nước mắm, nước tương và dầu ăn. Những năm trước, chị Bài còn mua được thùng nước ngọt, hộp bánh về biếu ba mẹ trưng Tết. Nhưng năm nay, giỏ quà Tết của chị Bài chỉ toàn là thực phẩm thiết yếu.
"Không sắm sửa được như mọi năm, tôi cũng có chút chạnh lòng. Nhưng về quê ăn Tết thì biết bao nhiêu thứ phải chi. Nhà tôi Tết năm nay thà không trưng quà Tết, còn hơn là không có tiền mua thực phẩm ăn hằng ngày.
Vì tình hình kinh tế khó khăn, tôi mới nhận ra luôn luôn phải tiết kiệm hết mức, không nên chỉ quan tâm đến niềm vui ngắn hạn mà không có khoản tiền phòng hờ cho những lúc cấp bách hơn", chị Bài ngậm ngùi, nói.
Không riêng chị Bài, nữ công nhân Ngọc Linh (22 tuổi) và Yến Loan (25 tuổi) cũng dùng toàn bộ số tiền trong phiếu mua sắm trị giá 500.000 đồng để mua thực phẩm thiết yếu. Nói về quà trưng Tết, Linh vội lắc đầu, cười trừ và nói rằng đây là năm đầu tiên gia đình Linh không có ý định sắm sửa gì cho dịp lễ này.
"Với mức lương 7 triệu đồng/tháng, tôi chỉ đủ chi cho sinh hoạt hằng ngày cho bản thân mình. Nếu sau này có gia đình, tôi cũng không biết mình sẽ xoay sở như thế nào, đặc biệt là khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn. Vì vậy, tôi nghĩ tiết kiệm ngay từ bây giờ là phương án tốt nhất cho người lao động phổ thông như tôi", chị Linh chia sẻ.
Theo anh Minh (29 tuổi), chủ sạp hàng tại phiên chợ, cho biết, sạp hàng của anh có đủ loại hàng hóa. Tuy nhiên, phiên chợ năm nay, người lao động chủ yếu đến hỏi mua gạo, mì gói, dầu ăn,… và hiếm có ai mua các mặt hàng như nước ngọt, bánh, mứt trưng Tết.
"Các sạp chuyên về thực phẩm thiết yếu đều có rất đông người ghé mua, còn lại thì vắng lắm. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, người lao động cũng hạn chế mua sắm, chủ yếu dùng tiền mua thức ăn hằng ngày", anh Minh cho hay.
Trước đó, Liên đoàn Lao động TPHCM đã tổ chức chương trình "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, diễn ra từ ngày 21 đến ngày 27/1, tại phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân).
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết dịp Tết này, Công đoàn thành phố chăm lo cho hơn 11.500 đoàn viên, người lao động theo Chương trình "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình", với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng,
Trong đó, đơn vị đã tặng 5.000 phiếu mua hàng cho 5.000 đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife), hơn 73% người lao động phải dùng 10-30% thu nhập để trả tiền nhà trọ. Trong đó, có gần 3% số lao động phải dùng đến 50% thu nhập cho tiền nhà trọ. Ngoài tiền nhà trọ, chi tiêu lớn nhất của họ là dành cho tiền ăn, điện nước, điện thoại, cho con đi học…
Ngoài ra, chỉ có 40% lao động phổ thông có thể tiết kiệm nhưng mức phổ biến chỉ là 1-2 triệu đồng/tháng. Số còn lại hầu như tiết kiệm được rất ít, hoặc không tiết kiệm được đồng nào. Thậm chí, có đến 22,8% số lao động được khảo sát đang phải vay mượn với số nợ trung bình là hơn 77 triệu đồng/người.
Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy thu nhập trung bình của người lao động hiện ở mức 7,8 triệu đồng/tháng. Trong đó, có đến 75,5% người lao động cho biết thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu cơ bản; 11,2% phải làm thêm việc khác để kiếm tiền.
Thực tế, chi tiêu năm 2023 tăng 19% so với năm 2022, với tổng mức chi tiêu là gần 12 triệu đồng/người/tháng. Người lao động chi tiêu nhiều hơn cho lương thực thực phẩm, chiếm gần 70%.