"Chuyến về quê ăn Tết" trị giá 20 triệu đồng đầy nước mắt của công nhân
(Dân trí) - "Năm ngoái tôi về quê, đem theo 20 triệu đồng, vèo cái Tết là hết sạch, chỉ còn vài đồng để ăn chờ tới tháng lương mới. Công nhân như mình ngán cảnh đó quá, thà không về…", chị Hằng rầu rĩ, nói.
Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết, chị Lưu Thị Phượng Hằng (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM), công nhân may, vẫn đang tất bật ở nhà máy để kiếm từng đồng lo chuyện cơm áo.
Năm ngoái, gia đình 3 người của chị được tài trợ vé máy bay về quê nhà Thanh Hóa để đón Tết. Ông bà hơn 5 năm chưa biết mặt cháu nội, Tết năm ngoái cũng đã được gặp khiến chị Hằng vô cùng hạnh phúc.
Nhưng năm nay, hay tin có đợt đăng ký vé máy bay về quê ăn Tết, chị Hằng lòng nặng trĩu, cười trừ: "Chắc em không về đâu".
Nhớ lại Tết năm ngoái, chị về nhà với hơn 20 triệu đồng tiền tiết kiệm cả năm. Đến khi trở lại TPHCM, chị ngó trong túi chỉ còn vài triệu đồng, ngậm ngùi nói với chồng "thắt lưng buộc bụng", nuốt nước mắt để chờ tháng lương tới.
"Nào là hùn tiền chợ nấu ăn cho cả mùa Tết, tiền sắm sửa quần áo, bánh, mứt, quà cáp, lì xì cho gia đình,… bấy nhiêu tiền là chuyện bình thường nhưng khiến tôi chóng mặt. Xót lắm nhưng chẳng lẽ nhiều năm không về, lại không bỏ ra được đồng nào cho gia đình", chị Hằng trầm tư.
Từ cuối năm 2022 đến nay, công việc ở nhà máy của chị và chồng lại gặp khó khăn. Từ làm 8 tiếng/ngày, thu nhập 8 triệu đồng/tháng, chị Hằng giờ phải tăng ca gần 10 tiếng/ngày để đạt được mức thu nhập cũ.
"Khi túi tiền eo hẹp, có về quê cũng không thấy vui nổi. Chi bằng tôi ở lại thành phố, kiếm thêm việc để làm rồi khi nào dư dả thì về. Như vậy còn dư được khoản gửi về cho ông bà ăn Tết, lại không bị rơi vào cảnh túng thiếu như năm ngoái", chị Hằng bộc bạch.
Nhờ vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện tại, nữ công nhân mới nhận ra rằng nếu cứ "cố chấp" về quê đón Tết, rất có khả năng chị sẽ… ở lại Thanh Hóa, không thể lên lại TPHCM vì rỗng túi.
Hơn hết, chị sẽ vô tình khiến "chuyến về quê ăn Tết" giá 20 triệu đồng ấy trở thành gánh nặng cho cả năm. Bởi nữ công nhân sẽ phải làm việc thật cật lực để trở lại vòng lặp "về quê - hết tiền - tích cóp - lại về quê".
"Không về nhà thật sự rất buồn, vì ông bà cũng đã lớn tuổi cả rồi. Nhưng ngẫm lại thấy không về đợt Tết này có lẽ tốt hơn, vì vẫn phải tiết kiệm để về những dịp quan trọng khác", chị Hằng trải lòng.
Anh Trần Sỹ Kha (43 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), nhân vật trong bài viết "Chuyến hồi hương đẫm lệ của nam bảo vệ " khát" mùi Tết quê", bộc bạch rằng năm nay anh vẫn đang phân vân việc về quê hay đón Tết trên thành phố.
Năm ngoái, gia đình anh Kha được tài trợ vé máy bay về Nghệ An sau 21 năm xa quê hương. Chuyến hồi hương "đẫm lệ" ấy đã mang lại sự ấm áp cho anh Kha sau nhiều năm xa cách gia đình, nhưng sau đó cũng mang lại gánh nặng tài chính cho người đàn ông này.
"Về quê thật sự rất tốn kém vì có nhiều thứ để chi tiêu. Tôi làm bảo vệ lương ba cọc ba đồng, lại còn đang mắc bệnh nên hằng tháng phải tốn thêm tiền thuốc men", anh Kha nói.
Nhìn mẫu đơn đăng ký vé máy bay miễn phí về quê đón Tết, lòng anh Kha lại nặng trĩu, đầy phân vân.
Vừa mất việc, gia đình 7 người của bà Nga (50 tuổi) cũng quyết định không về ăn Tết. Bà Nga bộc bạch, nhiều tháng qua, bà và các con phải đi xin làm phụ hồ, bốc vác, nhận đồ về nhà gia công. Vì không biết lái xe, tuổi đã cao, bà Nga chỉ có thể làm việc ở gần nhà và xin vào làm những công việc đơn giản.
Thu nhập của cả gia đình sụt giảm, bà Nga mỗi lần ra chợ chỉ dám mua 5kg gạo chứ không dám mua 10kg/lần như trước.
Dù giai đoạn này vô cùng khó khăn, gia đình bà vẫn cố bám trụ ở thành phố, chờ đợi, không có ý định quay về quê nhà tại Vĩnh Long.
"Thà đón Tết xa nhà hơn là không còn tiền cho tụi nhỏ ăn học. Tết năm nay, tôi sẽ nhờ các em thắp nhang cho tổ tiên, ông bà giúp, như vậy cũng thấy an ủi phần nào. Giờ tôi mới nhận ra, không có tiền ăn hằng ngày mới buồn, còn về quê thì có thể chọn thời điểm nào thích hợp hơn", bà Nga chia sẻ.
Theo báo cáo tổng kết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong năm 2023, Sở đã tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 58 doanh nghiệp với số lao động mất việc là 4.319 người (trong tổng số lao động của 58 doanh nghiệp là 45.735 người).
So với cùng kỳ năm 2022, số doanh nghiệp gửi thông báo tăng 37 doanh nghiệp, số lao động mất việc tăng 2.894 người.
Theo "Nghiên cứu tác động của Covid-19 đến việc làm của lao động di cư nội địa và vai trò của các bên liên quan" của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), thách thức lớn nhất đối với người lao động là kiếm đủ thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt.