1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bị cho nghỉ Tết sớm 1 tháng, công nhân ra chợ bán bột chiên kiếm sống

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Nghỉ Tết sớm tận 1 tháng, chỉ được thưởng nửa tháng lương tháng 12/2023, không nhận lương tháng 1, tháng 2, giờ tôi và gia đình đã chuyển sang chạy chợ để kiếm sống", nam công nhân tại TPHCM cho hay.

Túi rỗng chờ Tết

Còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán 2024, căn nhà của anh Nguyễn Chung (45 tuổi), trong con hẻm ở đường Đoàn Văn Bơ (quận 4, TPHCM), vẫn chưa có dấu hiệu được trang hoàng, sắm sửa như những năm trước.

Anh Chung ngồi trầm ngâm, đau đầu tính xem khoản tiền tiết kiệm của cả gia đình liệu có đủ chi tiêu cho những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bởi bản thân anh vừa bị nhà máy cho nghỉ Tết sớm hẳn 1 tháng.

Bị cho nghỉ Tết sớm 1 tháng, công nhân ra chợ bán bột chiên kiếm sống - 1

Tết không còn vui, đáng mong chờ với gia đình công nhân phải nghỉ sớm cả tháng (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Tiền để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày còn chật vật nên tôi không nghĩ gì đến chuyện sắm sửa tết nhất nữa. Những năm trước, Tết đến là tôi được thưởng 10 triệu đồng, vẫn đi làm và nhận lương tháng cuối cùng trước khi bắt đầu đợt nghỉ. Dù không dư dả nhiều, tôi vẫn mua được thùng bia, nước ngọt, tính chuyện thuê cây mai về trưng Tết", nam công nhân so sánh.

Làm việc ở xưởng gỗ tư nhân quy mô nhỏ được hơn 10 năm, anh Chung bộc bạch rằng đây là lần đầu anh bị cho nghỉ Tết sớm, kinh tế gia đình những ngày cuối năm trở nên eo hẹp, khó "cựa".

"Công ty cho nghỉ sớm, chỉ được thưởng nửa tháng lương, khoảng 4 triệu đồng. Cả tháng 1 không được đi làm nên tôi sẽ không được trả lương. Từ lúc nghỉ đến giờ, sinh hoạt của cả gia đình tôi hoàn toàn phụ thuộc vào tiền thưởng Tết và lương tháng 12 tôi vừa nhận", anh Chung nói.

Đầu năm 2023, anh đã hay tin công ty gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng. Vì thế, từ tháng 4/2023, anh Chung và đồng nghiệp bị giảm giờ làm, một tuần chỉ đến nhà máy 3 ngày. Thu nhập của anh bị giảm từ 10 triệu đồng xuống còn hơn 4 triệu đồng/tháng.

Bị cho nghỉ Tết sớm 1 tháng, công nhân ra chợ bán bột chiên kiếm sống - 2

Anh Chung bên bữa cơm tằn tiện của gia đình 6 miệng ăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nam công nhân chia sẻ, xưởng của anh từng có hàng trăm công nhân làm việc, nay chỉ còn khoảng 40-50 người vì nhiều nhân công không chịu được cảnh "3 ngày làm, 3 ngày nghỉ".

"Tháng cận Tết, công ty có đơn hàng trở lại nên chúng tôi được đi làm đủ ngày hơn. Nhưng không bao lâu thì hay tin phải nghỉ Tết sớm. Mọi năm phải sau 20 tháng Chạp nhà máy mới nghỉ, giờ vừa nghỉ Tết Dương lịch xong là tôi ở nhà đến giờ, vẫn chưa có thông báo khi nào trở lại làm việc", anh Chung thở dài lo lắng.

Vợ chồng anh Chung có 4 con, 2 người con đầu đã đi làm nhưng thời điểm này, công việc cũng chật vật. Vì thế, mọi chi phí sinh hoạt, anh Chung vẫn là người gánh vác. Đồng lương chỉ đủ chi tiêu hằng tháng nên từ ngày "bị cho nghỉ Tết sớm", gia đình anh Chung quay cuồng với cảnh thiếu trước, hụt sau.

Bữa cơm hằng ngày từng đầy đủ rau, thịt, cá, giờ đây phải tiết kiệm tối đa. Nếu chỉ trông chờ vào việc làm ở xưởng gỗ, gia đình 6 người sẽ phải tằn tiện chia nhau 200g thịt, cố ăn nhiều cơm để lấp đầy chiếc bụng đói.

Sạp bột chiên "cứu đói"

Đăng Khôi (19 tuổi, con trai anh Chung) cũng trong cảnh nghỉ Tết sớm. Với nửa tháng lương là tiền thưởng Tết, mới nghỉ được nửa tháng, Khôi đã phải vay mượn tiền bạn bè.

Để Tết này có bánh, mứt, Khôi lên ý tưởng cùng bố mẹ mở sạp bán bột chiên ở chợ. Hàng bột chiên mở ra, mỗi ngày mang lại đôi trăm nghìn đồng, gia đình Khôi cũng thấy nhẹ nhõm hẳn với nguồn thu nhập tạm trang trải cuộc sống.

Bị cho nghỉ Tết sớm 1 tháng, công nhân ra chợ bán bột chiên kiếm sống - 3

Để có thêm thu nhập, Khôi cùng mẹ mở sạp bánh bột chiên ở chợ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Cha con anh Chung cùng mừng vì công việc buôn thúng bán bưng ở chợ giúp gia đình thoát cảnh khó, không phải phụ thuộc vào hoạt động của nhà máy cũng như cảnh thấp thỏm lo sợ bản thân sẽ bị đuổi việc hay cho nghỉ Tết không lương.

"Buôn bán tự do giúp tôi và bố mẹ có thêm thời gian ở bên nhau, chăm sóc các em nhỏ. Những áp lực cũng đỡ hơn khi làm việc ở nhà máy", Khôi nói.

Bị cho nghỉ Tết sớm 1 tháng, công nhân ra chợ bán bột chiên kiếm sống - 4

Khôi kỳ vọng sau Tết sẽ tìm được công việc tốt hơn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tuy nhiên, để lo cho gia đình 6 người, Khôi khẳng định, chỉ phụ thuộc vào hàng bột chiên là không đủ và không ổn định. Hơn hết, gia đình Khôi cũng không có nhiều vốn để mở rộng việc kinh doanh.

"Bố con tôi vẫn muốn làm công nhân, vì công việc ổn định và nhiều chế độ phúc lợi đảm bảo cuộc sống. Chỉ là nhờ vào thời điểm khó khăn này, tôi mới nhận ra gia đình phải có hướng, có nghề để phòng hờ lúc khó khăn vẫn có chỗ bám víu, kiếm được tiền trang trải cuộc sống", Khôi giãi bày.

Nam công nhân bộc bạch, sau Tết hai cha con sẽ cân nhắc thêm về công việc. Cậu sẽ không từ bỏ việc làm công nhân, có thể tìm việc mới, kết hợp vừa đi làm ở nhà máy vừa duy trì quán bột chiên để đa dạng nguồn thu nhập.

Bám trụ thành phố chờ qua khó khăn

Thất nghiệp trước Tết vì nhà máy cắt giảm nhân sự, gia đình 7 người của bà Lê Thị Nga (50 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) đang phải chạy vạy tìm công việc thời vụ để kiếm thêm.

Bà Nga bộc bạch, nhiều tháng qua, bà và các con phải đi xin làm phụ hồ, bốc vác, nhận đồ về nhà gia công. Vì không biết lái xe, tuổi đã cao, bà Nga chỉ có thể làm việc ở gần nhà và xin vào làm những công việc đơn giản.

Dù giai đoạn này vô cùng khó khăn, gia đình bà vẫn cố bám trụ ở thành phố, chờ đợi, không có ý định quay về quê nhà tại Vĩnh Long.

Bị cho nghỉ Tết sớm 1 tháng, công nhân ra chợ bán bột chiên kiếm sống - 5

Khi thất nghiệp, nhiều công nhân nhận ra có một nghề tay trái sẽ đỡ bị động, chới với (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Lên thành phố mới có việc làm chứ ở quê mà kiếm ra tiền thì chúng tôi đã không vất vả lên đây làm công nhân. Chỉ là thời gian này kinh tế khó khăn, ai cũng chật vật, không riêng gia đình mình. Vậy nên chúng tôi vẫn hi vọng sang năm sẽ có thể xin vào làm ở một nhà máy khác, đồng thời kiếm thêm một công việc tay trái để phòng hờ gặp trục trặc ở công ty", bà Nga bộc bạch.

Cũng như không ít công nhân khác, bà Nga cho rằng có thêm nghề tay trái rất quan trọng với mỗi người lao động, để không bị phụ thuộc vào duy nhất một nguồn sống, cả gia đình dễ xoay xở, linh hoạt hơn.