Trai 9X kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhờ... Pompom
(Dân trí) - Theo đuổi nghệ thuật Pompom - loại hình đan len mới xuất hiện ở Việt Nam, Lê Lâm Nhật Huy đã có thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định, lan tỏa mô hình này tới nhiều người.
Sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa ở đại học Kiến Trúc TPHCM, Lê Lâm Nhật Huy (30 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) cũng giống như bao sinh viên khác, trải nghiệm nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành nghề. Tuy nhiên, anh sớm nhận thấy bản thân nên làm một việc gì đó riêng biệt, không chạy theo số đông.
Tháng 9/2016, trong một lần lướt mạng xã hội, chàng trai 9X tình cờ nhìn thấy bài viết về nghệ thuật Pompom, rồi bắt đầu tìm hiểu và "phải lòng" từ đó. Pompom là cách tạo hình các cuộn len đơn sắc thành khối tròn, rồi sáng tạo ra các hình mẫu thú cưng, nhân vật hoạt hình vô cùng tỉ mỉ.
Theo anh Huy, nghệ thuật Pompom từ lâu đã hình thành và phát triển ở các nước Châu Âu, xuất hiện trên những chiếc mũ len. Nó được biết đến là quả bông xù trong may mặc. Những năm gần đây, môn nghệ thuật này được những nghệ nhân ở Nhật Bản sáng tạo thành hình hài các con vật, nhân vật phim hoạt hình.
"Pompom có điểm đặc biệt hơn so với các loại hình đan len thông thường ở chỗ, người chơi thay vì chỉ đan vỏ bên ngoài, rồi nhồi gòn vào bên trong thì có thể tạo hình ngay trên một vật thể. Điều đó giúp sản phẩm bền hơn, trưng bày trong nhà hay bất cứ đâu cũng được rất lâu", nghệ nhân 9X bộc bạch.
Thời gian đầu theo đuổi công việc này, chàng trai gặp không ít khó khăn bởi môn nghệ thuật này chưa có ai làm. Nhật Huy phải thức đêm để nghiên cứu tài liệu từ sách, báo và Internet để học hỏi cách làm. Ngoài ra, nguyên liệu sử dụng quen thuộc là cotton, khiến cho những sản phẩm làm ra bị thô, không như ý muốn.
Không lâu sau, Nhật Huy có cơ hội đến Canada gần 2 năm nên đã tận dụng khoảng thời gian đó tìm kiếm nguồn nguyên liệu.
"May mắn tôi tìm được sợi len acrylic. Đây là loại vải có chứa ít nhất 85% acrylonitrile nguyên chất, có độ đàn hồi cao, chịu nhiệt tốt và giá cả phải chăng. Tôi đã dùng nó làm nguyên liệu chính cho Pompom và duy trì lượng sợi nhập về mỗi tháng", Huy nói.
Về nước vào tháng 8/2018, Nhật Huy chính thức nghiêm túc theo đuổi công việc này. Khi đăng tải những sản phẩm đầu tiên lên mạng, chàng trai 9X nhận được không ít lời khen ngợi, phản hồi tích cực từ khách hàng.
Để hoàn thành một sản phẩm, người nghệ nhân phải mất từ 30 phút đến 3 ngày thực hiện, tùy vào kích thước và sự phức tạp. Giá thành của mỗi sản phẩm dao động từ 60.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Trước hết, Huy sẽ phác thảo trước hình mẫu trên máy tính rồi quấn len, tạo hình, cắt tỉa, bố trí và kết nối các bộ phận với nhau để sản phẩm trở nên có hồn.
"Cả 3 bước đều quan trọng, đặc biệt là việc cắt tỉa sản phẩm sao cho khớp với mẫu thật. Công việc này đòi hỏi người làm phải tập trung phân tích các đặc điểm chính của mẫu và không ngừng chỉnh sửa cho hoàn thiện. Công đoạn quấn len là yếu tố quyết định vị trí các mảng màu sắc được bố trí trên quả Pompom", Huy chia sẻ.
Nhật Huy tâm sự, bản thân luôn đặt ra mục tiêu làm việc bằng cái tâm. Mỗi sản phẩm đều được anh thực hiện chỉn chu, đầu tư chất liệu tốt nhất. Dần có sự tin tưởng từ cộng đồng, các đơn hàng liên tục tới nhiều hơn. Nhiều người trong cộng đồng thích chơi len cũng tìm đến anh để mua nguyên liệu, học cách đan len.
Vừa qua, anh Huy cũng đã hợp tác với nhà xuất bản ở Anh, cho ra đời cuốn sách Pompom - những góc cạnh trong môn nghệ thuật này. Cuốn sách đã được xuất bản ở nhiều nước, dịch sang các thứ tiếng như Anh, Đức, Phần Lan,...
Năm 2022, Nhật Huy còn được mời đi dạy về đan len tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM. Tại đây, được lan tỏa niềm đam mê với nhiều người, Huy chưa từng bỏ buổi dạy nào, hết sức chuyên tâm hướng dẫn cho từng người.
"Lớp học có cả người lớn, trẻ em cùng tham gia. Vui nhất là sau buổi học, ai cũng hoàn thành được ít nhất một sản phẩm, hào hứng chụp ảnh. Có thể nói đây là bộ môn giúp mỗi người thư giãn sau ngày làm việc, rèn luyện thêm tính kiên trì, tỉ mỉ", chàng trai 9X nói.
Không chỉ tạo nguồn thu nhập cao từ việc kinh doanh sợi len, sản phẩm Pompom trên ứng dụng mua sắm trực tuyến và đi dạy, Nhật Huy còn có một kênh youtube hơn 15 nghìn người theo dõi, hàng ngày chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích. Sắp tới, nghệ nhân 9X dự định sẽ viết thêm 1 cuốn sách về Pompom, lan tỏa môn nghệ thuật này đến nhiều người hơn.