"Trả trợ cấp người có công qua bưu điện hạn chế nhầm lẫn, thất thoát"

Quang Phong

(Dân trí) - Qua 4 năm thí điểm trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện, theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam Trương Thị Lộc, đã hạn chế thấp nhất nhầm lẫn gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Trả trợ cấp người có công qua bưu điện hạn chế nhầm lẫn, thất thoát - 1

Hội nghị tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu (Ảnh: Giáp Tống)

Ngày 11/1, phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2021, bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, từ năm 2017, Quảng Nam là 1 trong 6 tỉnh thành được Bộ LĐ-TB&XH chọn làm địa bàn thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện từ năm 2017.

Qua 4 năm thực hiện, bà Trương Thị Lộc đánh giá, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện được đảm bảo đúng quy trình, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, hình thức chi trả hợp lý.

Ngoài ra, theo bà Trương Thị Lộc, việc tách bạch trong việc chi trả và xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ từ đó tạo ra sự đối chiếu, kiểm soát chéo giữa 2 đơn vị một cách độc lập, hạn chế thấp nhất việc nhầm lẫn gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho rằng, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện còn góp phần giảm được nhiều công việc cho cán bộ, công chức làm công tác LĐ-TB&XH. Từ đó, tạo điều kiện cho các cán bộ này có thời gian tập trung làm chuyên môn và nghiệp vụ. Về phía người có công và thân nhân khi nhận trợ cấp qua bưu điện cảm thấy hài lòng.

Trả trợ cấp người có công qua bưu điện hạn chế nhầm lẫn, thất thoát - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (bên phải, hàng đầu) trao Cờ Thi đua tới các đơn vị, các Sở LĐ-TB&XH dịp tổng kết năm 2020 (Ảnh: Đỗ Linh)

Trong thời gian thí điểm, bà Trương Thị Lộc cũng chỉ rõ những tồn tại cần phải khắc phục. Cụ thể như việc nhân viên bưu điện chưa nắm rõ chính sách ưu đãi người có công, dẫn đến hạn chế trong việc giải đáp thắc mắc của các đối tượng; việc chi trả chưa gắn với việc tuyên truyền khi có thay đổi chính sách; kỹ năng ứng xử của nhân viên bưu điện chưa gắn với công tác đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, động viện, chăm sóc người có công với cách mạng.

Vì vậy, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết sẽ cùng ngành bưu điện làm tốt hơn công tác tuyên truyền chính sách người có công; tăng cường công tác giám sát, đảm bảo thực hiện tốt công tác chi trả.

Với ngành bưu điện tỉnh Quảng Nam, bà Trương Thị Lộc đề nghị tiếp tục khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện chi trả để tạo sự đồng thuận, hài lòng, thống nhất cao của người thụ hưởng. Chỉ đạo bưu điện cấp huyện, thị xã rà soát bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, lịch thời gian ổn định để đảm bảo tỷ lệ chi trả cao nhất.

Nhu cầu đào tạo nghề ở Thủ đô là rất lớn

Phát biểu tại đầu cầu TP Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, trên địa bàn có hơn 4 triệu người lao động và hơn 300 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô là rất lớn.

Trả trợ cấp người có công qua bưu điện hạn chế nhầm lẫn, thất thoát - 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng Cờ Thi đua và Bằng khen tới các đơn vị, các Sở LĐ-TB&XH dịp tổng kết năm 2020 (Ảnh: Đỗ Linh)

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, trong năm 2020, TP Hà Nội chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, dẫn đến người lao động bị thiếu việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của nhân dân. Tuy vậy, TP Hà Nội cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, đưa hơn 2.000 người đi lao động ở nước ngoài có thời hạn.

Đề cập đến vấn đề đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, theo ông Chử Xuân Dũng, hầu hết các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đều hợp tác với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng. Cụ thể, các doanh nghiệp đã tiếp cận hơn 52 nghìn học sinh, sinh viên đến thực hành; tham gia đào tạo và hướng dẫn thực tập với 629 trường nghề; có 229 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với hơn 12.000 người; tuyển dụng hơn 16 nghìn học sinh, sinh viên vào làm việc ngày sau khi tốt nghiệp.

Từ thực trạng đào tạo nghề gắn với dạy nghề, TP Hà Nội đã xây dựng các giải pháp chủ yếu thúc đẩy gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới. Các giải pháp được TP Hà Nội đưa ra đó là, trong gắn kết giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp phải nêu được lợi ích trong việc gắn kết này; xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động; đổi mới giáo dục nghề nghiệp; mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy.

Quảng Ninh thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, tỉnh này có trên 1,3 triệu người, trong đó có 40 người hưởng bảo trợ xã hội. Quảng Ninh có trên 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 15.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tính đến đến đầu năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ninh còn có gần 1.000 hộ nghèo.

Trả trợ cấp người có công qua bưu điện hạn chế nhầm lẫn, thất thoát - 4

Ảnh: Giáp Tống

Trong năm 2020, dù rất khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng công tác bảo trợ xã hội vẫn được tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt, kịp thời các chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Trung ương. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn thực hiện tốt chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không trong diện chính sách của Trung ương.

Tổng kinh phí chi cho an sinh xã hội trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là hơn 2.000 tỷ đồng. Các cấp các ngành đã tập trung hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo chính sách Chính phủ và của tỉnh. Đến ngày 20/11/2020, Quảng Ninh đã hỗ trợ trên 88 nghìn trường hợp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng kinh phí là trên 100 tỷ đồng.

"Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung quan tâm đối với các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc. Do đó, một số mục tiêu của tỉnh đều đạt và vượt so với chỉ tiêu của Trung ương. Chính sách trợ giúp xã hội luôn hướng đến nhóm người dân yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục những rủi ro, từng bước đáp ứng nhu cầu cơ bản của đối tượng về thu nhập, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe", ông Nguyễn Hoài Sơn chia sẻ.