1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:

"Nhân lực đáp ứng tốc độ phát triển là cố gắng vượt bậc của ngành LĐ-TB&XH"

Quang Phong

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nguồn nhân lực của đất nước từng bước đảm bảo cho tốc độ phát triển kinh tế từ 7-10% là sự cố gắng vượt bậc của ngành LĐ-TB&XH.

Nhân lực đáp ứng tốc độ phát triển là cố gắng vượt bậc của ngành LĐ-TBXH - 1

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.(Ảnh: Đỗ Linh)

Sáng ngày 11/1, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng tình cao với báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

"Chúng ta đều biết, công tác tổ chức thực hiện các chính sách người có công với cách mạng, công tác quản lý lao động, công tác xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong nền tảng liên quan đến sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thế kỷ vừa qua, đất nước chúng ta trải qua các cuộc chiến tranh với sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Chính vì thế, việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng là nhiệm vụ thường xuyên, là đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam có số dân đông vào hàng thứ 13 thế giới (khoảng 98 triệu dân), do vậy vấn đề lao động việc làm luôn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Theo Bộ trưởng Cường, lao động làm ra của cải, vật chất cho xã hội, nên ngành lao động phải có nguồn lao động chất lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước.

Dẫn thông tin về nguồn nhân lực của đất nước từng bước đảm bảo cho tốc độ phát triển kinh tế từ 7-10%, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá đây là sự cố gắng vượt bậc của ngành lao động. Cùng với đó, trong 5 năm vừa qua có 600 nghìn lao động Việt Nam đi xuất khẩu nước ngoài có hợp đồng. Việt Nam cũng đón khoảng 98 nghìn lao động chuyên gia có hợp đồng của nước ngoài vào làm việc.

Nhân lực đáp ứng tốc độ phát triển là cố gắng vượt bậc của ngành LĐ-TBXH - 2

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: Đỗ Linh)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, với một đất nước đông dân, lại ở vị trí thường xuyên chịu tác động của thiên tai nhưng công tác xóa nghèo chỉ còn 2,75%, trở thành một trong những nước tiên phong hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ.

"Vì thế, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò rất quan trọng. Nhìn các số liệu, chúng ta rất tự hào vì các trụ cột đều đạt được với kết quả rất trân trọng. Như việc hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ không chỉ tầm cỡ khu vực mà là tầm cỡ thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong những ngành gắn bó chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ trưởng cho rằng, chính sách giảm nghèo cần có sự phối kết hợp giữa hai ngành không chỉ ở cấp Trung ương mà cả địa phương. Cụ thể đó là các nội dung đào tạo lao động, chính sách xóa nghèo.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương phối hợp làm tốt hơn nữa 3 nội dung lớn. Cụ thể, đó là phát huy hiệu quả việc lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững và chương trình kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc miền núi vừa được Chính phủ thông qua đề án.

"Chúng tôi cho rằng nếu làm tốt chương trình trên sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế nông nghiệp và khai thác tiềm năng lợi thế khu vực này; không chỉ giảm nghèo nhanh mà còn tiến tới khá và giàu ở khu vực này", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Theo Bộ trưởng, thời gian tới chúng ta cần cố gắng giảm nhanh tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp (hiện nay là 32%), thì mới có điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời qua đó năng cao năng suất lao động của khu vực này và cũng là điều kiện để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Vấn đề thứ ba được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường qua tâm đó là bảo hiểm và chính sách hưu trí của người nông dân lớn tuổi.

Bước chuyển ngoạn mục

Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong 5 năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dù tách chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ra khỏi chương trình nông thôn mới, nhưng trong 4 năm qua vẫn là "anh em sinh đôi". Kết quả giảm nghèo là biện pháp thúc đẩy chương trình nông thôn mới, nông thôn mới làm tốt thì sẽ giảm nghèo bền vững.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hai ngành có chung mục tiêu mà Chính phủ giao là đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là nhân lực nông nghiệp và đã tập trung thực hiện vấn đề này.  Hai ngành cũng đã tập trung phối hợp thực hiện để chuyển dịch lao động nông thôn từ khu vực phi chính thức sang chính thức.

"Trong 5 năm qua chúng ta đã chuyển dịch từ 44% đến nay còn 32% là một bước chuyển dịch ngoạn mục", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dịch bệnh Covid-19 là một thử thách rất lớn trong chuyển dịch lao động. "Thời điểm hiện nay, nhiều quốc gia phải tung gói tiền để khuyến khích người lao động khu vực thành thị chuyển về nông thôn. Nhưng tại sao cho đến nay, tỷ lệ thất nghiệp chúng ta thấp vì chúng ta có "bà đỡ" chính là khu vực nông nghiệp. Thời gian vừa qua Covid-19 những người lao động tự do chuyển dịch về nông thôn, thậm chí công nhân không có việc làm cũng chuyển về nông thôn yên tâm sống ở đó, bây giờ ổn định rồi thì sẽ quay trở lại", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thêm.