Trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm: Tạo sự cạnh tranh lành mạnh

Đề xuất trả lương cho công chức, viên chức trong đó có giáo viên theo vị trí việc làm của Bộ Nội vụ đang được nhiều người đồng tình, bởi đây sẽ là động lực để đội ngũ nhà giáo phấn đấu.

Phản ánh đúng năng lực

Hiện nay, nhà giáo được hưởng mức lương cào bằng, chưa phản ánh đúng năng lực khiến nhiều người không có động lực phấn đấu. Quy định cứ công tác 3 năm được tăng thêm một bậc lương khiến không ít người có quan niệm “sống lâu lên lão làng”, không cần phấn đấu.

Từ quy định những người công tác nhiều năm được trả lương cao dẫn đến những bất cập.

“Khi thanh toán thừa giờ lên lớp, những giáo viên có nhiều năm giảng dạy được tính 250.000 – 300.000 đồng/một giờ dạy trong khi giáo viên trẻ chỉ 70.000 – 75.000 đồng/giờ” - TS Đặng Lộc Thọ - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư nêu dẫn chứng.

Trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm: Tạo sự cạnh tranh lành mạnh - 1

Giáo viên trường Tiểu học Phù Đổng, huyện Gia Lâm hướng dẫn học sinh ôn bài. Ảnh: Phạm Hùng
 

 

Ông Thọ cho rằng, điều này rất vô lý khi cùng vị trí việc làm, đối tượng dạy giống nhau nhưng hai người đi dạy lại có mức lương chênh nhau quá xa, trong khi hiệu quả công việc tương đương nhau. Bởi vậy, khi Bộ Nội vụ đưa ra phương án trả lương cho công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng theo vị trí việc làm được nhiều người đồng tình.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH, đề xuất của Bộ Nội vụ xác định rõ vị trí việc làm là “căn cứ xác định biên chế, thực hiện tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức” là xác đáng.

Đây cũng là vấn đề mấu chốt để sắp xếp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế hiện nay. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi công việc của cơ quan hành chính, cung cấp dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, khi trả lương theo vị trí việc làm, vấn đề quan trọng là phải xác định được chức danh, chức vụ lãnh đạo theo vị trí việc làm.

Và phải xây dựng tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo làm cơ sở đánh giá cán bộ, công chức, viên chức mới có thể thực hiện tuyển dụng, sử dụng và trả lương đúng cho đội ngũ này.

Đồng thời, phải xây dựng được những tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả làm việc.

Trả lương dựa trên các đánh giá

Hiện nay, ở Hà Nội, một số trường ngoài công lập chất lượng cao đang thực hiện trả lương theo vị trí việc làm để giáo viên tập trung hơn vào hoạt động giảng dạy. Trả lương theo vị trí việc làm cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà giáo và để họ có động lực phấn đấu, cống hiến.

Nói về việc trả lương cho giáo viên theo vị trí công việc, thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS, THPT Lê Quý Đôn cho hay: “Những giáo viên dạy môn quan trọng được trường trả lương cao. Giáo viên được học sinh tín nhiệm nhiều cũng được xếp lương cao hơn người không được đánh giá tốt. Nhà trường cũng căn cứ vào việc thầy cô dạy học sinh có chất lượng để nâng bậc lương, có thể là 3 năm, 2 hoặc 1 năm. Tất nhiên, việc trả lương cao còn căn cứ vào các đánh giá khác một cách chính xác, khoa học, khách quan”.

Ở một khía cạnh khác, từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục ở cấp Sở GD&ĐT và trường, TS Đặng Lộc Thọ đưa ra cảnh báo: Nếu không đưa ra những tiêu chí cụ thể thì vô hình chung lại chuyển từ trả lương theo ngạch bậc “sống lâu lên lão làng” sang thái cực “cào bằng”.

Lý do bởi đặc thù của ngành giáo dục, cùng vị trí việc làm rất khó để nhận xét người này dạy tốt hơn người khác. Cũng như, cùng đối tượng giáo dục, mọi người không thể nhìn thấy và đánh giá được ngay kết quả người dạy. Để giải quyết vấn đề này, ông Thọ đề xuất duy trì cách tính thâm niên thỏa đáng.

Cùng một vị trí việc làm có bậc lương như nhau nhưng ai làm nghề lâu năm sẽ được thêm phần trăm thâm niên để ghi nhận sự cống hiến. Một vấn đề nữa là đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên theo giai đoạn.

Ví dụ 3 năm đến kỳ lên lương, nhà trường đánh giá giáo viên theo kết quả dạy. Cụ thể, trong thời gian đó, giáo viên được đồng nghiệp, học trò, xã hội đánh giá tốt đồng nghĩa với được tăng lương ở bậc cao hơn.

Song song với đó, đánh giá đột xuất bằng thanh, kiểm tra, lấy ý kiến phản hồi của người học trong từng năm, học kỳ, thậm chí từng tháng để biết mức độ hoàn thành công việc.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, đến ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm. Từ nay đến thời điểm đó chỉ còn 9 tháng trong khi việc này liên quan đến kinh tế và tác động rất lớn đến đội ngũ giáo viên.

Vì thế, nhiều ý kiến nhà giáo, chuyên gia đề nghị Bộ Nội vụ lấy đầy đủ ý kiến của nhà quản lý, dư luận xã hội để có được những phản ánh khoa học giúp cho việc thực hiện sẽ nhận được đồng thuận cao.

PGS.TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Quy định cách tính lương phù hợp

Không chỉ giáo viên mà lao động nhiều ngành nghề khác đang nhận lương theo vị trí việc làm. Chỉ có điều quy định về cách tính lương thế nào cho phù hợp với ngành nghề và vị trí công việc.

Tại trường Đại học Kinh tế quốc dân đang xây dựng các vị trí việc làm để trả lương cho giáo viên theo năng suất lao động. Trong quá trình làm việc, ai phấn đấu tốt sẽ được nâng lương và thay đổi vị trí việc làm. Còn cách trả lương theo hệ số hiện nay đã đánh đồng tất cả khiến người lao động mất đi động lực làm việc.

Để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, trước hết cần có khung chung về lao động. Việc có hỗ trợ thâm niên cho giáo viên hay không lại liên quan đến quỹ phúc lợi và người quản lý. Tôi nghĩ, những người tuổi cao có nhiều năm cống hiến cho đơn vị nhưng không có điều kiện học tập, vị trí việc làm ở mức độ nhất định thì có thể xem xét cho họ được hưởng phúc lợi để đảm bảo tính công bằng. Còn khi đã hết giai đoạn chuyển giao cách trả lương mới sẽ áp dụng đồng loạt và sòng phẳng như nhau với tất cả mọi người.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Thể hiện rõ ưu đãi với nhà giáo

Theo tôi, có hai việc cần phân biệt khi thay đổi cách tính lương cho giáo viên. Thứ nhất, phải có sự ưu đãi đối với giáo viên, thể hiện giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thứ nữa, khi trả lương cho giáo viên phải khuyến khích được họ tập trung làm việc, phát huy năng lực và chọn lọc được người tài. Điều này được hiểu, những giáo viên có năng lực, khả năng sư phạm sẽ được đãi ngộ một cách thỏa đáng.

Nhưng để mọi người đồng thuận với cách trả lương theo vị trí việc làm, trước hết phải làm rõ cách xếp lương mới có lợi hơn như thế nào so với trả lương theo bậc hiện nay. Đặc biệt, đối với những giáo viên vừa làm giảng dạy kiêm chủ nhiệm lớp thì phải có mức lương tương xứng. Theo đó, cần tính riêng khoản lương chủ nhiệm lớp, chứ không phải cộng thêm vài tiết sẽ không thu hút được nhà giáo tâm huyết.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH ĐTGROUP:  Nên có những cách đo lường khác nhau

Trả lương theo vị trí việc làm đã được các DN tư nhân và nhiều trường học tự chủ cao thực hiện. Với cách trả lương này, giáo viên luôn bị áp lực, buộc phải cố gắng nhưng qua đó sẽ phát huy hết khả năng của mình. Để trả lương theo vị trí việc làm cho giáo viên được đúng người, đúng việc, cần có những cách đo lường khác nhau để nhà trường, học sinh và phụ huynh đánh giá.

Cũng có những ý kiến cho rằng, việc đánh giá của người học đối với giáo viên không chính xác bởi có cảm tính trong đó. Theo tôi, để khắc phục tình trạng này thì bộ công cụ đánh giá nêu rõ lấy trọng số là bao nhiêu để đạt hiệu quả và tôn trọng giáo viên.

Từ thực tiễn giảng dạy một số năm tại trường Thực nghiệm, tôi thấy, bên cạnh việc nhận được đồng lương tương xứng với khả năng và năng lực, vấn đề quan trọng đối với nhà giáo chính là môi trường làm việc để họ phát triển. Còn những người đã có năng lực dù làm việc ở đâu cũng sẽ được chủ sử dụng lao động trả mức lương xứng đáng.

Theo Oanh Trần/Kinh tế đô thị