1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trả lương cả ngàn USD, doanh nghiệp "bói" không ra nhân lực khách sạn

Hoài Nam

(Dân trí) - Không ít khách sạn trả lương ngàn USD để tìm nguồn nhân sự cao nhưng tìm không ra. Có nơi buộc phải tuyển vội vã, tuyển người ngoài chuyên ngành thiếu kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ "lấp chỗ trống".

Thông tin được đề cập tại lễ triển khai mô hình trường học khách sạn do trường ĐH Tài chính Marketing với Trường Cao đẳng Quản trị khách sạn quốc tế Imperial thực hiện vừa diễn tại TPHCM. 

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án đồng hành cùng các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động.

Trả lương cả ngàn USD, doanh nghiệp bói không ra nhân lực khách sạn - 1

Các khách sạn tại Việt Nam thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng (Ảnh minhh họa)

Theo mô hình trường học học khách sạn, hai trường sẽ kết hợp để đào tạo nhân lực lĩnh vực du lịch khách sạn trong chương trình đào tạo bậc ĐH, sau ĐH. 

Ngoài ra, khóa đào tạo nghề 16 tuần, được cấp bởi tổ chức thẩm định NCFE Vương quốc Anh đảm bảo nguồn nhân lực có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. 

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho hay, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về “đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”.

Trong đó, yêu cầu các trường đại học tăng cường liên kết với khối doanh nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực khách sạn của Việt Nam những năm qua tăng rất nhanh. Nhưng ngành đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người mỗi năm. 

Nguồn nhân lực khách sạn không chỉ thiếu mà phải nói là rất yếu. Do hiện nay, chương trình đào tạo tại nhiều trường vẫn nặng về lý thuyết, chưa có điều kiện nâng cao năng lực thực hành cho người học. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp có bằng ĐH, CĐ nhưng không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. 

Chúng ta đang tồn tại thực tế nhu cầu nhân lực khách sạn cao nhưng đào tạo thì lẹt đẹt không theo kịp dẫn đến khó phát triển bền vững. 

Hiện nay, chỉ có khoảng 43% nhân sự trong ngành khách sạn là qua đào tạo, trong số này chỉ khoảng 15% có khả năng ngoại ngữ. 

Nhân viên không giao tiếp được với khách, làm mất sự thân thiện và kéo theo hệ lụy tỷ lệ khách du lịch quay lại thấp vì thiếu sự kết nối, tương tác.

Trong dự báo nhân lực của  Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) nhiều năm qua nhu cầu trong ngành dịch vụ khách sạn, vụ phục luôn nằm ở nhóm ngành có nhu cầu cao. 

Nhu cầu nhân lực quý IV/ 2020 cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc.Trong đó, tập trung ở các nhóm nghề như Dịch vụ phục vụ,  Kinh doanh - thương mại, Dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, Chế biến lương thực - thực phẩm, Dịch vụ phục vụ, Công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, Điện - điện tử - điện lạnh...

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,26%,  trong đó đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 31%, sơ cấp chiếm 14,26%...
 
Đại diện Falmi cho biết, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, thông thạo ngoại ngữ.