TPHCM tuyển gần 30.000 lao động dịp Tết, chủ yếu ở ngành nào?

Xuân Trường

(Dân trí) - Để phục vụ kinh doanh, sản xuất trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp tại TPHCM cần tuyển gần 30.000 lao động trong lĩnh vực dệt may - giày da, bán lẻ và lao động thời vụ.

Ngày 5/1, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ dịp tết Nguyên đán 2024 tăng cao, dự kiến cần từ 25.000 đến 29.000 lao động. Các lĩnh vực tuyển dụng đông lao động gồm: thương mại - dịch vụ chiếm 69,58%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,10%. 

TPHCM tuyển gần 30.000 lao động dịp Tết, chủ yếu ở ngành nào? - 1

Nhân viên bán hàng vẫn là ngành cần tuyển nhiều lao động tại TPHCM (Ảnh minh họa: Ip Thiên).

Cụ thể, các ngành cần tuyển tập trung như: dệt may - giày da; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn và bán lẻ; du lịch; dịch vụ giải trí; chăm sóc sức khỏe; dịch vụ cá nhân, bảo vệ...

Ngoài tuyển lao động chính thức, lao động thời vụ, bán thời gian cũng được săn đón ở các công việc: nhân viên bán hàng, kinh doanh, giao hàng, đóng gói, phục vụ.

Dự báo sau tết Nguyên đán năm 2024, nhu cầu nhân lực TPHCM cần từ 49.000 đến 57.000 chỗ làm việc. Các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng nhiều ở các ngành, lĩnh vực như: dệt may - da giày; dịch vụ lưu trú và ăn uống; chế biến thực phẩm; nhựa - cao su.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,56%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, quan hệ lao động trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, kịp thời tìm hiểu, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn.

Đặc biệt, đối với  các doanh nghiệp chậm trả lương, nợ bảo hiểm xã hội, gặp khó khăn về đơn hàng, phải cắt, giảm việc làm của người lao động rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động.

Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.