TPHCM: Kiến nghị hỗ trợ các giáo viên mầm non tư thục không có BHXH
(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH kiến nghị UBND TPHCM hỗ trợ 15% giáo viên mầm non ngoài công lập không được trường đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP hưởng hỗ trợ gói an sinh 62.000 tỷ đồng.
Tiền hỗ trợ đang tới...
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết hiện các quận huyện đang triển khai trao hỗ trợ cho nhóm giáo viên các trường mầm non tư thục trên địa bàn. Nhiều quận đã hỗ trợ đạt 70%.
Dự kiến đến ngày 10, 11/5, TPHCM sẽ chi trả xong cho nhóm đối tượng trên.
"Hiện còn khoảng 15% các trường mầm non ngoài công lập không tham gia đóng bảo hiểm cho giáo viên nên khó khăn trong việc hỗ trợ. Sở đang xin ý kiến của UBND TPHCM về việc trợ cấp cho giáo viên tại các trường này", ông Tấn nhấn mạnh.
Ghi nhận tại TPHCM, hầu hết các quận, huyện đều đã bắt đầu chi trả hỗ trợ cho nhóm giáo viên mầm non tư thục bị ảnh hưởng vì Covid-19. Tổng số lượng người được hỗ trợ nhóm này khoảng 30.000 đối tượng, mỗi người sẽ nhận được 1 triệu đồng.
Tại quận Tân Phú, phòng GD&ĐT đã chi trả cho hàng trăm giáo viên hoàn thiện hồ sơ. Các trường gửi hồ sơ về quận để xét duyệt. Những hồ sơ đầy đủ thủ tục sẽ nhận được tiền sau khoảng 2 ngày làm việc. Quận có 46 trường mầm non tư thục, 92 nhóm lớp với khoảng 1.500 giáo viên.
Cô Phan Bảo Trân (giáo viên trường mầm non Ngôi nhà Hạnh Phúc) cho biết trong 10 năm làm nghề chưa khi nào khó khăn như hiện tại. Toàn bộ số tiền hai vợ chồng cô tiết kiệm để nuôi con đã phải chi hết trong hơn 3 tháng nghỉ việc.
"Bình thường 1 tháng chi phí hai vợ chồng và con nhỏ khoảng 5 triệu. Mùa dịch hai vợ chồng nghỉ việc nên chi tiêu tiết kiệm hơn, khoảng 3 triệu/tháng. Tiền này là tiền tiết kiệm để nuôi con của hai vợ chồng em", cô Trân tâm sự.
Trong thời gian ngừng việc, cô Trân cũng tìm kiếm các công việc khác để làm nhưng đều không phù hợp. Cô cũng khá bất ngờ vì nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ và Liên đoàn Lao động TPHCM.
"Từ đầu mùa dịch, LĐLĐ và nhà trường cũng hỗ trợ tụi em để vượt qua giai đoạn khó khăn. Giờ em lại nhận thêm được gói hỗ trợ của Chính phủ. Số tiền này giúp em rất nhiều, để em trang trải chi phí trong thời gian chờ đi làm trở lại", cô Trân chia sẻ thêm.
Theo cô Trân, mong muốn của hầu hết các bảo mẫu thời điểm này là được đi làm trở lại. Khi đi làm trở lại thu nhập sẽ ổn định và các cô không phải tất bật mưu sinh như thời gian qua.
Động viên không nhỏ
Còn theo cô Phạm Thị Minh Tuyết - Phó hiệu trưởng Mầm non Ngôi nhà hạnh phúc, các cô giáo trong trường đều ngỡ ngàng vì nhận được hỗ trợ. Tổng 24 giáo viên trong trường đều đã nhận được 1 triệu/người sau hai ngày làm thủ tục gửi lên phòng Giáo dục.
"Vừa qua, các trường phải đóng cửa, giáo viên không có thu nhập. Nhà trường hỗ trợ nhưng không đâu vào đâu. Nhiều cô giáo phải về quê để giảm bớt chi phí. Có cô phải đi làm công nhân, buôn bán nhưng vẫn rất khó khăn", cô Tuyết trao đổi.
Hiểu được những khó khăn trên, khi được phòng Giáo dục triển khai về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, cô Tuyết đã tức tốc triển khai. Các cô giáo trong trường đều khá bất ngờ vì chỉ 2 ngày sau khi làm hồ sơ đã nhận được trợ cấp.
"Lãnh đạo phòng Giáo dục hướng dẫn và đẩy nhanh hồ sơ hỗ trợ cho các giáo viên. 2 ngày là trường nhận được tiền và chi lại cho giáo viên rồi. Từ tết tới giờ các cô mất thu nhập nên số tiền đó là nguồn động viên lớn cho các cô", cô Tuyết cho hay.
Ghi nhận tại các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Quận 3... các phòng Giáo dục đều đang chi trả cho các giáo viên mầm non đầy đủ hồ sơ nhận trợ cấp. Những giáo viên thiếu hồ sơ cũng được hướng dẫn tận tình để sớm nhận được tiền từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng.
Kiến nghị hỗ trợ tới giáo viên mầm non tư thục
Cũng liên quan tới những thiệt thòi của người lao động làm việc ở các cơ sở tư thục mầm non, vừa qua tại Nghệ An, Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã có báo cáo gửi Công đoàn Giáo dục Việt Nam có văn bản kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng đưa danh sách cán bộ, nhà giáo, người lao động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cô nuôi trường mầm non, tiểu học bán trú vào diện được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Công đoàn giáo dục VN cũng kiến nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội giãn nộp bảo hiểm và không tính lãi suất chậm nộp trong các tháng phải nghỉ việc do dịch, trước mắt là các tháng 2, 3, 4, 5, 6/2020 và có ý kiến với Chính phủ miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nghỉ do dịch. Đồng thời đề nghị Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, nhà giáo, người lao động ngoài công lập trong thời điểm này.
Xuân Hinh