1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM: Doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để "giữ" công nhân giữa dịch Covid-19

(Dân trí) - Lượng hàng bán ra giảm, khách chậm thanh toán nhưng nhiều doanh nghiệp chủ trương dùng quỹ dự phòng để hỗ trợ công nhân 30 - 50% lương, cố "giữ chân" người lao động cho tới hết dịch.

TPHCM: Doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để giữ công nhân giữa dịch Covid-19 - 1
Công nhân phải thay phiên nhau nghỉ việc vì thiếu đơn hàng sản xuất.

Vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết dịch Covid-19 khiến khoảng 600.000 lao động trên địa bàn phải nghỉ việc, không có thu nhập.

UBND TPHCM đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giúp các lao động trên ổn định cuộc sống. Tuy vậy, các công ty vừa và nhỏ vẫn phải  phụ thuộc vào nguồn kinh phí dự phòng của doanh nghiệp hỗ trợ người lao động.

Hơn 4 tháng qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải tạm ngưng hoạt động. Các doanh nghiệp còn hoạt động đến thời điểm hiện tại đều có những giải pháp riêng nhằm hỗ trợ người lao động cùng vượt qua dịch Covid-19. Bài toán ổn định doanh nghiệp lúc này đang thực sự khiến các chủ doanh nghiệp đau đầu.

Khảo sát của PV Dân trí tại khu vực quận Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp, cho thấy, các doanh nghiệp đều cho biết "sẽ không bỏ rơi công nhân". Nhiều doanh nghiệp dù ít việc nhưng vẫn quyết không cho công nhân nghỉ dài lâu mà nghỉ giãn cách để có nguồn thu nhập. 

"Công nhân giờ mà nghỉ thì tiền đâu đóng tiền nhà trọ, tiền đâu nuôi con cái và gia đình. Họ đều là những người nghèo khổ từ các vùng quê lên đây mưu sinh. Họ đã gắn bó với mình bao nhiêu năm tháng, giờ mình bỏ rơi họ thì nhẫn tâm quá. Công ty mình hiện vẫn cho công nhân nghỉ cách ngày để họ có thu nhập", ông Huỳnh Anh Toàn - chủ doanh nghiệp tại quận Thủ Đức chia sẻ.

Những ngày qua, doanh nghiệp của ông Toàn vẫn hỗ trợ công nhân từ 30 - 50% lương và thường xuyên tặng gạo cho công nhân để họ đỡ lo về cuộc sống.

TPHCM: Doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để giữ công nhân giữa dịch Covid-19 - 2
Nhiều công nhân sẽ gặp khó khăn khi không được doanh nghiệp hỗ trợ trong thời điểm dịch Covid-19.

Theo ông Toàn, thời gian qua doanh nghiệp đã giảm khoảng 40% doanh thu so với thời điểm trước dịch Covid-19. Nguyên nhân do khối lượng đặt hàng giảm, khách chậm thanh toán. Dù khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì trả đủ lương cho người lao động. Hiện, công ty ông Toàn có trên 70 lao động.

"Mình chấp nhận thua lỗ thời điểm này vì không thể bỏ rơi công nhân. Trong trường hợp doanh nghiệp bị đóng cửa do phải cách ly hay nhà nước cho tạm dừng mình vẫn tiếp tục hỗ trợ công nhân khoảng 50% thu nhập", ông Toàn chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm với ông Toàn, ông Nguyễn Tất Thắng (chủ doanh nghiệp tại quận Bình Tân) cho rằng, nhân viên, công nhân là đối tượng chính tạo ra sản phẩm cho công ty. Công ty có phát triển mạnh hay không phụ thuộc vào họ rất nhiều.

"Giờ dịch Covid-19 nên doanh nghiệp bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi nhưng không thể vì vậy mà mình cho công nhân nghỉ việc không lương, họ làm sao xoay sở giữa thành phố xa hoa được. Tuy vậy, mức hỗ trợ phụ thuộc vào nguồn quỹ dự trữ của công ty và sự hào phòng của chủ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào không có nguồn dự trữ thì khó có thể hỗ trợ công nhân giai đoạn này" - ông Nguyễn Tất Thắng chia sẻ thêm.

TPHCM: Doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để giữ công nhân giữa dịch Covid-19 - 3
Ngoài hỗ trợ trả lương cho công nhân, nhiều công ty thường xuyên tặng gạo, nhu yếu phẩm cho công nhân.

Hiện công ty ông Thắng có trên 200 lao động. Hơn 2 tháng nay công ty cũng đang phải "gồng mình" để không để nhân công quá khó khăn vì giảm thu nhập. Những công nhân quá khó khăn sẽ được công ty hỗ trợ đặc biệt bằng tiền mặt hoặc các nhu yếu phẩm.

"Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ và cùng công nhân vượt qua dịch Covid-19. Tình hình này, các doanh nghiệp sẽ vẫn có thể duy trì được khoảng 3 - 6 tháng. Nếu sau 6 tháng sau, tình hình kinh doanh vẫn chưa tốt lên thì rất khó để chúng tôi có thể hỗ trợ công nhân như bây giờ", ông Thắng nhấn mạnh.

Vị chủ doanh nghiệp này cũng hy vọng, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều chung tay hỗ trợ công nhân của công ty, để họ không phải chịu đói, chịu khổ trong thời điểm này.

Về phía người lao động, dù thu nhập giảm nhưng được sự ưu ái từ phía doanh nghiệp, hầu hết đều vui vẻ. Thậm chí, một số công nhân có hoàn cảnh khá giả còn nhượng lại các phần hỗ trợ cho người khác khó khăn hơn.

"Lương của tôi dao động từ 8 - 10 triệu/tháng. Trong đó 3 triệu để trả tiền nhà trọ, số tiền còn lại vừa nuôi hai con ăn học, vừa lo gửi về quê phụng dưỡng ba mẹ. Giờ đang mùa dịch mỗi tháng làm khoảng 10 ngày nhưng công ty vẫn trả khoảng 6 triệu đồng. Số tiền trên tôi cũng tạm đủ lo kinh phí cho gia đình", bà Lê Thu An (quê Bình Thuận, công nhân tại Thủ Đức) chia sẻ.

Xuân Hinh