1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM: Cần khoảng 65.000 lao động dịp cuối năm

Xuân Hinh

(Dân trí) - Sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 được khống chế, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã hồi phục trở lại. Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm, TPHCM cần khoảng 62.000 - 65.000 lao động.

TPHCM: Cần khoảng 65.000 lao động dịp cuối năm - 1
Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), những tháng cuối năm nhu cầu việc làm tại TP sẽ sôi động trở lại. Đây sẽ là cơ hội việc làm cho những lao động bị mất việc do dịch bệnh Covid-19 và đối với những sinh viên mới ra trường.

Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dần trở lại bình thường. Các hoạt động xuất – nhập khẩu đang được cải thiện nhờ các nỗ lực mở cửa, phục hồi kinh tế của thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ.

Đồng thời, hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Do vậy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm.

"TPHCM sẽ cần khoảng 62.000 - 65.000 việc làm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, trong đó, trình độ Đại học chiếm 20%, Cao đẳng chiếm 20%, Trung cấp chiếm 31%, Sơ cấp chiếm 14%", Falmi nhận định rõ trong báo cáo.

TPHCM: Cần khoảng 65.000 lao động dịp cuối năm - 2
TPHCM sẽ cần khoảng 65.000 lao động dịp cuối năm để ổn định sản xuất.

Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như: Kinh doanh - thương mại, Dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, Chế biến lương thực - thực phẩm, Dịch vụ phục vụ, Công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, Điện - điện tử - điện lạnh, Dịch tư vấn chăm sóc khách hàng.

Trong thời gian qua, Falmi đã khảo sát và nhận định khoảng 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 2. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng gồm: Bán buôn (19%), sản xuất trang phục (12%), dệt (8%), sản xuất, chế biến thực phẩm (7%).

Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm chiếm 51,96%, khó khăn về vốn chiếm 19,61%, thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 14,71%, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa kịp thời chiếm 6,86% và các nguyên nhân khác.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp cho lao động làm việc bình thường chiếm 63%. Có 14% doanh nghiệp giảm giờ làm việc của người lao động. Doanh nghiệp không tăng ca chiếm 11%, doanh nghiệp có tình trạng thiếu việc làm chiếm 4,9% và một số ít doanh nghiệp lao động thôi việc chiếm 5%.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, phương án tối ưu nhất là tổ chức cho những lao động thất nghiệp được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Tiếp tục tăng cường mở sàn giao dịch việc làm giúp người lao động tìm kiếm được việc làm mới phù hợp.

Hầu hết người lao động mong muốn mức lương trên 5 triệu đồng/tháng

Theo Falmi, trong quý III năm 2020, hầu hết người lao động đều có nhu cầu tìm việc làm với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, người lao động mong muốn mức lương dưới 5 triệu chiếm khoảng 11%, chủ yếu ở các công việc bán thời gian hoặc các cộng tác viên, chăm sóc khách hàng, thực tập sinh các nghề bán hàng... Mức lương 5 - 8 triệu đồng/tháng chiếm 34%, tập trung ở các nghề như nhân viên văn phòng, marketing online, nhân viên kinh doanh, lễ tân, dược sĩ.

Từ 8 - 10 triệu đồng/tháng chiếm 27%, tập trung ở các nhóm nghề như chuyên viên ứng dụng và phần cứng, nhân viên công nghệ thực phẩm, chuyên viên luật - pháp lý, bảo trì kỹ thuật điện, chuyên viên marketing, chuyên viên lập trình mạng, kỹ sư cơ khí, kỹ sư phần mềm, chỉ huy trưởng công trình, quản lý nhà hàng,…

Từ 10 - 15 triệu đồng/tháng chiếm 17%, tập trung ở các nhóm nghề như: kế toán tổng hợp, kỹ sư xây dựng, giám sát cầu đường, kiến trúc sư, chuyên viên chứng từ, chuyên viên mua hàng, trợ lý giám đốc, chuyên viên lập trình ứng dụng, thiết kế thời trang,…

Trên 15 triệu đồng/tháng chiếm 8,96% tổng nhu cầu, tập trung ở nhóm nghề như giám đốc điều hành, kiến trúc sư công trình, bác sĩ đa khoa, kế toán trưởng, chuyên viên thiết kế đồ hoạ, công nghệ môi trường, chuyên viên quan hệ công chúng, nhân viên kinh doanh bất động sản, phiên dịch,…