TPHCM: Cần 60.000 lao động trong Quý IV/2014

(Dân trí) - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý IV/2014 là khoảng 60.000 lao động.

Cụ thể, trong tháng 10 cần 18.000 lao động, tháng 11 cần 20.000 lao động và tháng 12 cần 22.000 lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 35%, sơ cấp nghề chiếm 7%, trình độ Trung cấp chiếm 22%, trình độ cao đẳng và đại học trở lên chiếm 29%.

TPHCM: Cần 60.000 lao động trong quý IV/2014
Sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm ngay được việc làm phù hợp hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo vẫn tiếp tục ở mức 40% tổng số có nhu cầu tìm việc làm

Nhận định chung thị trường lao động quý IV/2014, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi, cho rằng, “Nhu cầu tuyển dụng tiếp tục xu hướng vào nguồn lao động có trình độ, tay nghề. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao về nhu cầu lao động phổ thông để phục vụ nhu cầu sản xuất và các hoạt động dịch vụ cuối năm”.

Theo ông Tuấn, trong Quý III/2014, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trường; số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong 8 tháng là 15.071 đơn vị, tăng 3% vốn đăng ký. Chỉ số tiêu dùng được kiểm soát và tăng hợp lý, các biện pháp kiềm chế lạm phát của cả nước và thành phố đã có những tác động tích cực thúc đẩy kinh tế và tạo thị trường lao đọng thành phố ổn định và phát triển.

Theo Tổng Cục Thống kê công bố, trong Quý II, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại TPHCM khoảng gần 4,2 triệu người. Trong đó số lao động có việc làm khoảng 4.065.600 người chiếm tỷ lệ 96,89% lực lượng lao động thành phố.

Trong quý III/2014, nhu cầu nhân lực lao động TPHCM tiếp tục phát triển theo xu hướng yêu cầu về chất lượng lao động, biểu hiện là sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề chuyên môn và gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc.

Tốc độ dịch chuyển việc làm của người lao động giữa các doanh nghiệp diễn ra cao hơn so với quý II/2014 và ở mức 20%.

Ông Tuấn cũng thừa nhận, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động thành phố có xu hướng ổn định và phát triển trong các tháng cuối năm 2014. Tuy nhiên, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm ngay được việc làm phù hợp hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo vẫn tiếp tục ở mức 40% tổng số có nhu cầu tìm việc làm. Mức độ dịch chuyển lao động diễn biến khoản 15% tập trung các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.

Tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ và phổ thông có thể diễn ra từ tháng 11/2014 đến Tết Nguyên đán 2015 và sau Tết, tuy nhiên ở mức độ tương đối ổn định không gây xáo trộn lớn đối với sản xuất kinh doanh và thị trường lao động. Nhu cầu tuyển dụng tiếp tiếp tập trung nhiều vào ngành nghề kinh doanh, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin, dệt may - giày da, tư vấn - bảo hiểm, cơ khí, điện tử…

Do vậy, yêu cầu hiện nay là dự báo xu hướng nhu cầu đào tạo ở từng lĩnh vực ngành nghề về số lượng và chất lượng, về nhu cầu đào tạo lao động nghề ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với nhu cầu xã hội và các doanh nghiệp, góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu. Phải hoàn thiện và nâng cao năng lực tỏ chức hướng nghiệp cho học sinh THPT định hướng ngành nghề, nghề nghiệp phù hợp điều kiện phát triển thị trường lao động thành phố và hội nhập kinh tế ASEAN.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Theo đề án phát triển trong giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2025, TPHCM sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn gồm: Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và CNTT; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm…”.

Quốc Anh