1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TP HCM: Để lại khoản nợ BHXH, nhiều chủ doanh nghiệp “bốc hơi”

Cuối năm 2017, đầu năm 2018, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đột ngột “biến mất” khiến hàng trăm người lao động (NLĐ) lao đao vì không có tiền lương, thưởng tết. Điều đáng nói, các ông chủ đã bỏ lại khoản nợ BHXH khiến quyền lợi của NLĐ thêm một lần bị xâm phạm.

Giám đốc âm thầm biến mất khỏi Cty

Vụ giám đốc “biến mất” lùm xùm nhất có lẽ là trường hợp Cty TNHH Nam Phương (100% vốn Hàn Quốc, KCN Tây Bắc; huyện Củ Chi, TPHCM) khiến gần 600 công nhân (CN) điêu đứng, lãn công nhiều ngày liền. Theo đó, từ đầu tháng 1.2018, Giám đốc Cty Nam Phương là ông Nam Sungho (quốc tịch Hàn Quốc) không còn xuất hiện ở Cty.

Đến kỳ lương, không thấy giám đốc xuất hiện, lại không được nhận lương, CN đã ngừng việc tập thể. Ban quản lý và Công đoàn (CĐ) các KCX - KCN TPHCM đã nhiều lần có thư mời ông Nam Sungho lên giải quyết, tuy nhiên, ông này vẫn bặt vô âm tín. Sau 1 tháng biến động vì giám đốc “biến mất”, DN đã hoạt động trở lại.


Công nhân Cty TNHH Nam Phương bị “treo” quyền lợi về BHXH khi Cty nợ BHXH hơn 26,8 tỉ đồng. Ảnh: L.T

Công nhân Cty TNHH Nam Phương bị “treo” quyền lợi về BHXH khi Cty nợ BHXH hơn 26,8 tỉ đồng. Ảnh: L.T

Tuy nhiên, do đơn hàng không nhiều, CN chủ yếu làm công tính theo ngày nên DN đã báo giảm toàn bộ lao động và làm thủ tục xin tạm ngưng đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến cuối tháng 12.2017, DN này còn nợ khoảng 26,8 tỉ đồng BHXH, BHYT, BHTN của CN. Khoảng 300 CN nghỉ việc trước và sau thời điểm ngừng việc đã được chốt và trả sổ BHXH. Về phía giám đốc Nam Sungho, ông chỉ liên lạc với một số cán bộ quản lý qua Zalo và có hứa hẹn sẽ trở về giải quyết, tuy nhiên chưa biết chính xác ngày!

Tương tự, tại Cty TNHH BumJin Vina (KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TPHCM), từ hôm 10.2 (tức 25 tết), ông Park Kye Ho - Giám đốc, đại diện pháp luật của Cty BumJin Vina - đã “biến mất” khỏi Cty. Tuy nhiên, do Cty hẹn ngày 28 tháng Chạp mới trả lương nên CN không chú ý đến sự việc giám đốc không có mặt ở Cty. Đến cuối ngày 28 tháng Chạp, không thấy lương đâu, các CN mới tập trung về Cty yêu cầu giải quyết.

Mỗi ngày từ tết đến nay, các công nhân đều đến Cty và CĐ KCN để “ngóng” thông tin về ông chủ, hy vọng sẽ được giải quyết tiền lương, BHXH. Ngoài nợ lương của 270 CN, Cty này còn nợ BHXH hơn 2,9 tỉ đồng.

Bên cạnh 2 “ông lớn” này, những ngày giáp Tết Mậu Tuất, tại TPHCM, một số chủ DN đã bỏ trốn, để lại khoản nợ BHXH, gây thiệt hại quyền lợi cho CN như Cty TNHH SX-XNK Hưng Phú, chủ cũng “biến mất” để lại khoản nợ BHXH trên 360 triệu đồng, Cty TNHH Bumhuyn VN nợ BHXH hơn 753 triệu đồng.

Người lao động vẫn thiệt thòi nhất

Các vụ việc giám đốc “biến mất” vào những ngày cận tết đã khiến cho những khó khăn của NLĐ gần như tăng lên gấp đôi. Anh Tấn - làm việc tại Cty TNHH BumJin Vina - cho biết: Vợ chồng anh đều làm việc tại Cty, đinh ninh ngày 28 tết, ban giám đốc sẽ trả lương nên vợ chồng anh chị đã đặt vé xe, chuẩn bị về quê Bạc Liêu ăn tết.

Thế nhưng, khi giám đốc “biến mất”, vợ chồng anh đành phải hủy vé, cả cái tết nhà anh không có 1 ngày vui. Cũng từ đó đến nay, ngày nào, anh với vợ cũng thay phiên nhau ghé qua Cty để xem tình hình giải quyết đến đâu, tuy nhiên mọi việc gần như tuyệt vọng. Để hỗ trợ cho CN Cty BumJin Vina, CĐ đã hỗ trợ mỗi CN 700 ngàn đồng để trang trải những khó khăn trước mắt. Về phía cơ quan BHXH, đơn vị này đã tích cực rà soát lại hồ sơ, thực hiện chốt sổ cho CN.

Tại Cty TNHH Nam Phương, vì Cty nợ BHXH kéo dài nên các quyền lợi của NLĐ gần như bị “treo”. Chị Phan Thị Kim Xuyên (29 tuổi, quê Hậu Giang) cho biết, hàng tháng, chị vẫn bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng sinh con không được hưởng chế độ thai sản, chồng chị Xuyên cũng làm việc ở Cty và đã mất nhưng vẫn chưa nhận được tiền tuất khiến cuộc sống của chị và các con hết sức khốn khó. Trong khi đó, nhà xưởng và máy móc của Cty Nam Phương được ông Nam Sungho thuê lại, chỉ có khoảng 10-20% máy móc trong đó là của Cty. Ngoài nợ lương của CN, nợ BHXH, Cty Nam Phương còn nợ rất nhiều khoản khác.

Theo ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TPHCM) - giá trị tài sản mà các chủ DN để lại sau khi “cao chạy xa bay” không còn bao nhiêu là tình trạng chung hiện nay. Tài sản đó không đủ để giải quyết các khoản nợ mà họ để lại, trong khi đó, việc quản lý các doanh nghiệp có nguy cơ còn khá lỏng lẻo, tình trạng chủ DN bỏ trốn không phải mới đây mà đã xảy ra nhiều năm qua, hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Hành lang pháp lý chưa rõ, quá trình giải quyết phát sinh nhiều vướng mắc, nhiều vụ việc giải quyết kéo dài nhiều năm khiến NLĐ chịu rất nhiều thiệt thòi.

Theo Lê Tuyết/Báo Lao động