1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bạc Liêu: Không xử phạt nợ BHXH vì ... chưa có chánh thanh tra

(Dân trí) - Lý giải vì sao thời gian qua không xử phạt doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh trốn đóng, nợ đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bạc Liêu cho rằng, có một nguyên nhân là do chưa bổ nhiệm được Chánh Thanh tra Sở.

Một thời gian dài chưa có Chánh Thanh tra

Ông Lê Thanh Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua công tác giám sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Tại một số doanh nghiệp, chỉ có khoảng 20% - 30% người lao động tham gia các loại bảo hiểm này.

“Lợi dụng sự không ổn định nguồn lao động của tỉnh, nhiều doanh nghiệp cố tình sử dụng lao động theo cách hợp đồng ngắn hạn để lách luật, tránh việc lo các loại bảo hiểm. Đây là một thực trạng khá phổ biến nhưng chưa được khắc phục triệt để, gây bất bình trong người lao động”, ông Hùng lo ngại.

Theo ông Lê Thanh Hùng, mặc dù qua giám sát đã phát hiện nhiều doanh nghiệp né tránh tham gia bảo hiểm cho người lao động, nhưng thời gian qua cơ quan chức năng chưa mạnh tay xử lý, xử phạt những doanh nghiệp này. Điều này cho thấy khâu quản lý nhà nước chưa chặt, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.


Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu Trần Hồng Chiến cho biết thời gian qua, ngành chỉ thanh, kiểm tra để nhắc nhở là chính, chứ chưa xử phạt doanh nghiệp nào vi phạm về BHXH

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu Trần Hồng Chiến cho biết thời gian qua, ngành chỉ thanh, kiểm tra để nhắc nhở là chính, chứ chưa xử phạt doanh nghiệp nào vi phạm về BHXH

Bà Trần Hồng Chiến- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu thừa nhận tình trạng một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN . Tuy nhiên, Sở cũng không xử phạt doanh nghiệp nào trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN.

“Sở chỉ mới bổ nhiệm Chánh Thanh tra trong thời gian gần đây, chứ trước đây chỉ có Phó Chánh Thanh tra. Mà Phó Thanh tra thì không đủ thẩm quyền để xử phạt doanh nghiệp. Sở chủ yếu phối hợp thanh tra liên ngành để tuyên truyền vận động là chính, cũng như nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện tốt luật bảo hiểm đối với người lao động”, bà Chiến phân trần.

Phải mạnh dạn xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội

Qua thống kê, đến tháng 6/2017, số lượng người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tăng nhưng không nhiều. Cụ thể, tổng số lao động ở các doanh nghiệp hiện nay là 25.540 người, nhưng chỉ có 11.757 người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN (chiếm khoảng 46,3%).

Lý giải về tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn khá thấp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, một số doanh nghiệp do điều kiện kinh doanh khó khăn, lợi nhuận không cao, chưa thu lợi nhuận nên còn tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho một số lao động.

“Ngành Lao động cũng chưa làm tốt công tác phối hợp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, cũng như chủ sử dụng lao động về các loại bảo hiểm. Một mặt, ngành cũng chưa thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp”, bà Trần Hồng Chiến thừa nhận.

Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm nhằm giúp người lao động và chủ sử dụng lao động nhận thức đúng trách nhiệm của mình, cũng như lợi ích trong việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tỉnh cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng các loại bảo hiểm cho người lao động.

Trước thưc tế này, ông Lê Thanh Hùng đề nghị ngành LĐ-TB&XH cần quyết liệt hơn nữa, vì đây là quyền lợi của người lao động cũng như an sinh xã hội ở địa phương.

Ông Hùng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, làm rõ trách nhiệm của các chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần phải nhận thức được lợi ích mà “đấu tranh” bảo vệ quyền lợi của mình trong việc tham gia bảo hiểm.

“Các luật quy định thực hiện đã lâu, nhưng tỉnh lại chưa xử phạt trường hợp nào, dẫn đến các doanh nghiệp chưa nhận thức được thì họ cố tình làm. Do đó, thời gian tới cần phải mạnh dạn xử lý vấn đề này”, ông Lê Thanh Hùng đề nghị.

Huỳnh Hải

Tin liên quan:

BHXH Hà Nội: Hạn chế tối đa thời gian làm thủ tục lĩnh lương hưu

Theo ông Nguyễn Đức Hoà - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, việc thủ tục hành chính “một cửa” trong giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố đang được thực hiện theo lộ trình.

Toàn thành phố hiện có khoảng 600.000 người nhận lương hưu hàng tháng. “Với số lượng lớn như vậy, việc áp dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính là điều được Bảo hiểm xã hội Hà Nội quan tâm. Đây cũng là việc cụ thể hoá các chỉ đạo của Tổng giám đốc BHXH VN về cải cách thủ tục hành chính trong ngành” - ông Nguyễn Đức Hoà nói. Được biết cũng nhờ việc áp dụng thủ tục nhanh gọn, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (cơ quan bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân) đã được BHXH Hà Nội khen thưởng đột xuất vì thành tích thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính tháng 11/2017. Kết quả khen thưởng trên cũng dựa trên những đánh giá từ chính người dân lĩnh lương hưu. Trước đó, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên cán bộ công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tới làm thủ tục nhận sổ hưu tại bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân. Trước thái độ niềm nở và thời gian xử lý hồ sơ nhanh gọn, chỉ trong vài phút, bà Nguyễn Thị Thu đã nhận được đầy đủ giấy tờ về trợ cấp lương và thông tin đầy đủ, cùng thông báo trả lương về tài khoản cá nhân. Bà Nguyễn Thị Thu đã có những đánh giá tốt về chất lược phục vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân.

H.M

5.150 người hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Đắc Lắk

Theo Sở LĐ-TB&XH Đắc Lăk, năm 2017, số người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp ước tính là 5.150 người, tăng hơn 150 người so với năm 2016. Trong đó, người hưởng trợ cấp thất nghiệp là nữ giới chiếm khoảng 53% và nam giới 47%, trong đó cả nam và nữ có số lượng nhiều ở nhóm tuổi từ 25 đến 40 tuổi, chiếm 64,7%, cho thấy số người trẻ tuổi thất nghiệp cao trong năm 2017.

Về công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Đắc Lắk đã tăng cường công tác tư vấn và giới thiệu việc làm giúp người lao động nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động. Đây được coi là giải pháp tích cực, lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống. Ước tính đến hết tháng 12 năm 2017 có hơn 5.200 người được tư vấn, trong đó, số người được giới thiệu việc làm mới là 709 người, chiếm 13,5% trên tổng số người được tư vấn. Đối với công tác tư vấn học nghề cho người đăng ký thất nghiệp, Trung tâm đã tăng cường công tác thu thập, tìm kiếm thông tin các cơ sở dạy nghề nhằm giúp cho người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp, chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động. Dự kiến trong năm 2017 có khoảng 120 người lao động thất nghiệp tham gia các khóa học nghề.

B.A