"Tôi tìm kiếm sự tò mò, khám phá ở ứng viên khi tuyển dụng"

Đó là chia sẻ của Phạm Kim (tên thường gọi của Phạm Kim Cương) - một trong 100 trí thức người Việt trở về để tham gia chuỗi sự kiện Kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo 2018 diễn ra trong tuần.

Giành tấm Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học quốc tế năm 2000, Phạm Kim theo học kỹ sư Công nghệ phần mềm ở ĐH New South Wales, Úc theo diện học bổng Nhà nước. Sau đó, anh xin học thạc sĩ Khoa học máy tính ở University of Illinois, Urbana Champaign của Mỹ.

"Vô tình, đó lại là trường rất mạnh về khởi nghiệp sáng tạo và là trường đứng thứ 5 thế giới về Khoa học máy tính. Những người sáng lập Paypal, YouTube,… là những người đã từng tốt nghiệp ở trường ra. Tôi được tiếp cận và được truyền cảm hứng từ họ. Tôi cũng bắt chước làm theo, nghĩ rằng mình cũng làm được".

Phạm Kim: Nhân tài trở về cần đất dụng võ. Ảnh: Nguyễn Thảo
Phạm Kim: "Nhân tài trở về cần đất dụng võ". Ảnh: Nguyễn Thảo

Sau dự án start-up trong trường đại học thất bại, anh đầu quân cho Google 4 năm. Sau Google, cơ duyên đưa anh trở về với những start-up của riêng mình.

Hiện tại, Phạm Kim đang điều hành một start-up cung cấp phần mềm trợ lý ảo cho người đi du lịch. Hiện “đứa con cưng” này đã bắt đầu có lợi nhuận và khách hàng ở 17 thành phố trên khắp thế giới.

'Ông chủ" sinh năm 1982 đã chia sẻ với VietNamNet những quan sát và trải nghiệm của mình.

Mong muốn hoàn thiện quy định về đầu tư mạo hiểm

Anh quan sát thấy các start-up Việt Nam thường gặp phải những trở ngại gì để thành công?

Ngoài việc sản phẩm của start-up Việt nhìn chung thiếu tính thực tiễn hơn ở các nước đã có hệ sinh thái start-up phát triển mạnh mẽ, các bạn còn thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng start-up và Chính phủ.

Ở các nước, số lượng công ty start-up lớn hơn rất nhiều nên các bạn sẽ có một cộng đồng những người đồng hành. Ở Silicon Valley, hàng xóm xung quanh bạn đều đang làm start-up, cho nên bạn có thể học được từ những thất bại của họ. Việt Nam thì không có cái đó.

Ở Mỹ, Chính phủ bỏ tiền xây cả khu đô thị, trích một phần nhỏ cho các công ty start-up. Khi đã thành công, các công ty sẽ quay lại rót vốn cho các start-up khác, từ đó tạo thành một thị trường. Đó là văn hóa đầu tư mạo hiểm.

Ngoài ra, sau một thời gian, khi các start-up “sống sót” được, họ phải nghĩ đến việc trả tiền nhân viên, cân đối tài chính, khai báo thuế… như thế nào. Đó là những rào cản để start-up thành công. Ở Singapore, họ có những tổ chức đứng lên dạy cho những người làm doanh nghiệp nhỏ làm các công việc như khai thuế, làm bảo hiểm xã hội... Ở Việt Nam, tôi không thấy chỗ nào dạy những thứ đó.

- Anh có mong muốn, đề xuất gì với Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các start-up Việt?

Tôi có rất nhiều mong muốn nhưng có lẽ mong muốn lớn nhất là hoàn thiện Luật về đầu tư mạo hiểm, cho phép thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mở các quỹ ở Việt Nam để đầu tư cho các start-up trong nước.

Hiện tại, họ không dám nói đầu tư vào start-up Việt Nam một cách chính thống, vì không có luật cho phép. Họ đầu tư dưới dạng cá nhân nhiều hơn. Các qũy lớn thì luôn cần luật để bảo vệ họ khi đầu tư.

Không nên dùng tiền lương để thu hút nhân tài

Đến bây giờ anh vẫn chưa trở về mặc dù đã có ý định từ lâu. Anh còn băn khoăn điều gì?

Ở Mỹ, tôi cũng đóng góp được cho xã hội nhưng sẽ không nhiều được bằng ở Việt Nam. Nôm na là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Ở Mỹ thì cái “gói” của tôi đưa cho những người đã “no” rồi. Nếu về Việt Nam, tôi cảm thấy đóng góp của mình sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.

Tôi còn có gia đình đang sống ở Mỹ. Năm ngoái, tôi có về Việt Nam gần 1 năm. Thời gian đó, tôi được sống, làm việc, gặp gỡ bạn bè, tìm hiểu các công ty khởi nghiệp Việt Nam, tôi thấy rất quý giá. Việc đó có thể làm tăng khả năng trở về sau này của tôi.

- Câu chuyện chảy máu chất xám đã được nói đến nhiều rồi. Nhiều người trở về nói rằng các thủ tục hành chính, chính sách, môi trường làm việc ở Việt Nam không tạo điều kiên cho họ cống hiến. Theo anh, Việt Nam cần phải làm gì để thực sự thu hút được nhân tài trở về?

Trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch TP. Hà Nội, tôi cũng có hiến kế cho Chủ tịch là không nên quá coi trọng tiền lương, không nên dùng tiền lương để thu hút nhân tài. Tôi nghĩ, lương không giải quyết được vấn đề chính. Khi nhân tài trở về, họ cần đất dụng võ, chứ không hẳn vì tiền.

Thường thì số người ở nước ngoài có đủ tiền sống ở Việt Nam rất lớn vì lương ở nước ngoài 1 năm có thể sống được 10 năm ở Việt Nam. Cho nên lương không phải vấn đề với họ.

Cái chính là cơ hội, và mở ra được thị trường. Tôi cảm thấy rất được khích lệ khi Viettel, Vingroup đang mở ra rất nhiều cơ hội cho người trở về. Viettel muốn sản xuất chip, Vingroup muốn sản xuất ô tô. Đó là bài toán lớn, cũng là những cơ hội được mở ra với người trở về. Mọi người rất quan tâm là nếu trở về thì có thể làm được gì.

Các tài năng trẻ trao đổi bên lề sự kiện gặp mặt mạng lưới. Ảnh: Nguyễn Thảo
Các tài năng trẻ trao đổi bên lề sự kiện gặp mặt mạng lưới. Ảnh: Nguyễn Thảo

- Một số trí thức e ngại việc về Việt Nam đôi khi là có cả lý do về môi trường giáo dục, môi trường sống cho con cái, gia đình họ. Đó có phải là một trong những lo ngại của anh nếu trở về hay không?

Cũng có. Nhưng khi về Việt Nam gần 1 năm vào năm ngoái thì tôi không thấy có vấn đề gì lớn lắm. Tôi nghĩ con tôi đã thích nghi rất tốt, mặc dù có thể vợ tôi nghĩ khác (cười).

- Nếu bỏ qua yếu tố gia đình, anh còn băn khoăn gì với việc trở về hay không?

Ở Mỹ có 1 khái niệm gọi là “reality check", nôm na là thỉnh thoảng bạn phải xem mình có đang ở trên mây hay không.

Lí do trở về của tôi có nhiều chủ quan, và lâu lâu tôi lại phải làm "reality check", xem thực tế, với mong đợi, có khớp với nhau hay không.

"Sinh viên Việt Nam không có sự lựa chọn"

Để đuổi kịp thế giới về kinh tế, về công nghệ.., thì giáo dục phải thay đổi. Là người đã được trải nghiệm nền giáo dục của 3 quốc gia, anh thấy sự khác biệt nổi bật nào giữa giáo dục Việt Nam và các nước?

Nền khoa học cơ bản của Việt Nam rất tốt. Nhưng trong trường học, Việt Nam có ít lựa chọn về môn học. Tất cả các môn học đã được định sẵn, sinh viên không có sự lựa chọn. Khi tôi sang Úc thì chỉ có năm đầu là người ta nói mình phải học môn gì. Từ năm thứ 2 là có rất nhiều lựa chọn. Mặt khác, sinh viên Việt Nam lại phải học nhiều hơn, gần như từ sáng đến tối. Ở bên kia, sinh viên học ít hơn, đẩy mạnh hoạt động xã hội, được thực hành, có thực tiễn nhiều hơn.

Ngoài ra, tôi nhận thấy nền giáo dục các nước có hệ thống đánh giá tốt hơn. Các trường đều có các bài “test” đánh giá để so sánh với nhau. Ở Việt Nam thì không có dữ liệu để đánh giá, chỉ có bài “test” cuối cùng là kỳ thi tốt nghiệp. Bên kia họ có dữ liệu để đánh giá các trường. Ở Mỹ, các trường có nhiều đánh giá hơn, khách quan hơn, sau đó họ mới phân tích, tối ưu chương trình học của mình.

Thứ 2 là họ có nhiều trường tư thục hơn. Họ nhìn thấy giáo dục công thiếu gì thì các trường tư sẽ bổ sung sự thiếu hụt đó. Đó là cơ chế thị trường, cho phép người ta sáng tạo. Khi được lựa chọn, người ta sẽ chọn cái tốt, từ đó đẩy nền giáo dục đi lên.

Anh đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân sự của Việt Nam? Chúng ta có thiếu nhân tài nhiều lắm không?

Việt Nam thiếu nhân tài cao cấp. Chúng ta có tiềm năng lớn vì có sức hấp thụ kiến thức lớn, nhưng vấn đề là các bạn trẻ có nhận được kiến thức để hấp thụ hay không. Cần có kiến thức tốt để cho các bạn trẻ hấp thụ.

Công ty tôi có một văn phòng ở Việt Nam chuyên sản xuất phần mềm để sử dụng cho Mỹ và các nước khác. Tôi thấy các bạn trẻ làm ở đây đều có năng lực rất tốt.

Khi tuyển nhân sự, anh tìm kiếm yếu tố gì ở ứng viên?

Tôi tìm kiếm sự tò mò, ham muốn khám phá của họ. Tôi thường hỏi một câu là “Em có câu hỏi gì không?” sau khi giới thiệu công ty. Bạn nào mà hỏi rất nhiều chứng tỏ bạn ấy rất tò mò và muốn mở rộng khả năng của mình ra. Ngoài ra, tôi cần năng lực chuyên môn như các công ty khác, đồng thời đánh giá cao tinh thần làm việc nhóm của các bạn.

-Xin cảm ơn anh!

Theo Nguyễn Thảo/Báo Vietnamnet.vn