Gói an sinh 62.000 tỷ đồng:
"Tôi phải dùng tiền hỗ trợ tiết kiệm, không xài hoang phí"
(Dân trí) - Sau khi nhận được 4,5 triệu đồng tiền hỗ trợ, ông Hùng - hộ nghèo quận Tân Phú (TPHCM) - đã dùng 1 triệu đồng mua gạo, đồ hộp dự trữ. Số tiền còn lại ông cất đi phòng khi khó khăn để sử dụng.
Vừa qua, các quận, huyện tại TPHCM đã nhận được TP giải ngân tiền hỗ trợ trong gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Các quận, huyện đã triển khai đến với hàng chục ngàn người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn.
Ghi nhận tại quận Tân Phú, hàng trăm cán bộ ngành lao động tất bật làm việc ngày đêm để đưa tiền tới tay người dân. Gần 7.000 đối tượng là người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công sẽ được lĩnh tiền trợ cấp từ nay tới 10/5. Khoảng 16.000 lao động tự do bị mất việc trên địa bàn cũng có thể nhận được trợ cấp trước 10/5.
Ông Trần Nam Hùng là hộ cận nghèo trên địa bàn phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú). Dịch Covid-19 cả gia đình ông 6 nhân khẩu đều bị ảnh hưởng nên đời sống rất khó khăn. Nhận được 4.500.000 đồng tiền hỗ trợ, ông gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng và Chính phủ.
"Mình phải tôn trọng tiền nhà nước hỗ trợ và phải sử dụng đúng mục đích, cần kiệm. Một phần mình bỏ ra mua gạo, mì tôm, cá hộp để dự trữ, một phần tiết kiệm để phòng thân. Gia đình cũng phải dùng đúng nhu cầu thôi", ông Hùng chia sẻ thêm.
Bà Lý Ngọc Phụng (SN 1956, ngụ tại phường Tân Sơn Nhì) cũng cho biết sẽ chi tiêu thật tiết kiệm số tiền được hỗ trợ. Theo bà Phụng, nếu mình sử dụng hoang phí thì sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ.
"Gia đình tôi nhận được 1,5 triệu. Số tiền đủ xoay sở nhiều việc trong gia đình. Tôi rất vui mừng vì nhà nước đã quan tâm đến hộ nghèo như chúng tôi. Tôi xin cảm ơn", bà Phụng nói thêm.
Theo bà Lê Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhì, toàn phường có khoảng 1.300 người thuộc nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nhóm đối tượng không nằm trong danh mục được hỗ trợ cũng kiến nghị được hưởng.
"Giúp việc nhà, may gia công tại nhà, xe ôm công nghệ, in thiệp cưới... là những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng về kinh tế mùa dịch Covid-19. Sau khi rà soát, phường đã có báo cáo lên UBND quận để xin ý kiến chỉ đạo", bà Trang nêu rõ.
"Bình thường 1 người giúp việc nhận làm cho 3 gia đình nhưng mùa dịch chỉ làm cho 1 gia đình. Xe ôm công nghệ chở khách cũng bị giảm thu nhập rõ rệt, in thiệp cưới thì không ai cưới nên không có việc làm. Người may vá tại nhà cũng vậy, họ không có thu nhập vì dịch không ai đi may đồ cả", bà Trang nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trang, việc rà soát nhóm lao động tự do gặp nhiều khó khăn do nhiều người ở các tỉnh phía Bắc sinh sống. Họ muốn nhận trợ cấp tại phường thì cần phải có xác nhận tại địa phương. Do quá trình xác nhận mất nhiều thời gian nên nhóm này khó triển khai xong sớm như dự kiến 10/5.
Những nhóm người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, phường đang tiến hành chi trả và sẽ hoàn thành trước ngày 10/5. Phường dán thông báo, phát loa hướng dẫn người dân đến UBND phường nhận hỗ trợ. Những đối tượng đi lại khó khăn sẽ được hỗ trợ tại nhà.
Xuân Hinh