1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tọa đàm về vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm với thị trường lao động

Trường Thịnh

(Dân trí) - 9h, ngày 6/6, báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến "Vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm để thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả", cung cấp thông tin về thị trường việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí.

Với mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh thành, xúc tiến việc làm, trung tâm dần trở thành chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động, nhất là lao động yếu thế.

Tại trung tâm, các hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động được kết nối qua nhiều hình thức như: trực tiếp tại trụ sở chính, tại các điểm giao dịch vệ tinh của trung tâm, phiên giao dịch việc làm; trực tuyến qua cổng thông tin điện tử việc làm; website, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng… tạo thành một mạng lưới bao phủ trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, trung tâm dịch vụ việc làm còn hỗ trợ người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề.

Theo số liệu thống kê từ Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tiếp nhận 146.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, hơn 128.000 người được hỗ trợ giải quyết trợ cấp thất nghiệp.

Quý I/2023, các trung tâm dịch vụ việc làm đã giới thiệu việc làm cho gần 350.000 người; hơn 4.200 người được hỗ trợ học nghề.

Tuy nhiên, bước vào quý II/2023, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước khó khăn kéo theo thị trường lao động, việc làm có nhiều biến động.

Nguyên nhân do ảnh hưởng từ việc lạm phát ở nhiều quốc gia đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao, xung đột địa chính trị dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước thiếu đơn hàng phải cắt giảm giờ làm, người lao động tạm ngừng việc hoặc thôi việc…, không chỉ ảnh hưởng thu nhập người lao động, mà còn làm mất sự kết nối, cân bằng trong cung - cầu lao động.

Thống kê từ Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Doanh nghiệp gặp khó khăn thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử,…

509.903 lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, có 279.409 lao động thôi việc, mất việc làm, chiếm 54,79%. Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TPHCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người). 

Các trung tâm dịch vụ việc làm phát huy vai trò kết nối người lao động và doanh nghiệp như thế nào? Hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đã có giải pháp cụ thể gì để phát triển thị trường lao động thích ứng với tình hình thực tế? Thị trường việc làm nửa cuối năm 2023 sẽ có những điểm sáng nào? Đâu là những điểm mới trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?

Các vấn đề này sẽ được giải đáp tại tọa đàm do báo Dân trí phối hợp Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Giang tổ chức, với chủ đề "Vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm để thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả".

Chương trình có sự góp mặt của ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Giang.

Tọa đàm về vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm với thị trường lao động - 1

Mời độc giả dành thời gian theo dõi và tương tác với khách mời.