Tính tổng lương 12 tháng thế nào là đúng?

Hiện nay các trường đều tính lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC , nhưng lại có cách áp dụng khác nhau trong việc tính tổng tiền lương 12 tháng. Có trường xác định tổng lương 12 tháng là lương và các khoản phụ cấp theo lương sau khi đã trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, có trường lại tính tổng lương 12 tháng là lương và các khoản phụ cấp, nhưng không trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc. Theo giải đáp của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, cách tính do các trường tự quyết định. Tôi xin hỏi, vậy cách tính nào là đúng quy định? Các trường có quyền quyết định cách tính trả lương dạy thêm giờ không? Người hỏi Nguyễn Bình Minh - TP. Hồ Chí Minh

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định hiện hành, tổng lương 12 tháng (trong đó có tính tổng các khoản phụ cấp mà nhà giáo được hưởng) sau khi đã trừ các khoản đóng góp là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hỏi: Tính thời điểm hưởng lương hưu thế nào?

Trường hợp nhân viên nữ đã đủ 20 năm đóng BHXH, có ngày sinh như sau: Nếu sinh ngày 5/2/1961 thì thời gian nghỉ hưu ghi trong quyết định là tháng mấy (có phải là 5/2/2016)? Nếu sinh ngày 15/2/1961 thì thời gian nghỉ hưu ghi trong quyết định là tháng mấy (có phải là 1/3/2016)?

BHXH TP Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định thời điểm hưởng lương là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Trường hợp nữ lao động đã đủ 20 năm đóng BHXH sinh tháng 2/1961 thời điểm hưởng lương hưu 1/3/2016.

Theo Chinhphu.vn