Tìm việc ở xa, làm thế nào để thành công?

Dịch bệnh kéo dài và nhiều lý do khác khiến nhiều người có xu hướng thay đổi môi trường làm việc.

Nhiều người chọn đến một thành phố hay về một địa phương nào đó để tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho những ai đang có ý định chuyển sang địa phương khác làm việc chính là thông tin việc làm, môi trường sống, văn hóa nơi ấy liệu có phù hợp với bản thân hay không. Vậy làm cách nào để tìm kiếm việc làm từ xa tại địa phương mà người lao động (NLĐ) muốn đến một cách thuận lợi?

Các chuyên gia về dịch chuyển lao động khuyên NLĐ đừng quá lo lắng. Nếu thực hiện quá trình tìm kiếm đúng cách, NLĐ có thể thành công trong việc theo đuổi nghề nghiệp tại địa phương mới.

Việc đầu tiên mà NLĐ cần làm khi đã quyết định chọn địa phương nào đó để theo đuổi sự nghiệp là kết nối với người địa phương. Một trong những cách tốt nhất để hiểu về nơi bạn đang muốn đến sinh sống, cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm là xây dựng mối quan hệ với những người ở đó.

Tìm việc ở xa, làm thế nào để thành công? - 1

Phỏng vấn trực tuyến sẽ tạo điều kiện cho ứng viên từ xa

Hãy rà soát lại những mối quan hệ cá nhân, xem có người thân, bạn bè, bà con nào đang sinh sống, làm việc tại địa phương mình chọn hay không. Liên lạc với họ để nắm tình hình về các nhu cầu tuyển dụng để có thể lựa chọn hướng đi cho mình phù hợp nhất.

NLĐ cũng nên mở rộng mối quan hệ với cư dân địa phương trên không gian mạng. Với sự phát triển của internet, không khó để ứng viên (ƯV) có thể kết nối nhanh chóng, tiện lợi với người địa phương đó thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Việc kết nối với người địa phương là bước đi đầu tiên để ƯV cảm nhận về môi trường sống, các cơ hội việc làm có phù hợp với mình hay không.

Nếu thấy phù hợp, hãy tiếp tục tìm kiếm những thông tin liên quan đến tuyển dụng. Nếu NLĐ có mối quan hệ tốt và được người địa phương giới thiệu thì quá thuận lợi. Tuy nhiên, các kênh tuyển dụng online hiện nay cũng có rất nhiều thông tin tuyển dụng tại địa phương mà NLĐ chọn. Website của các công ty mà ƯV hướng đến cũng đăng đầy thông tin tuyển dụng và trên trang fanpage của họ cũng có đủ.

Sau khi có thông tin, NLĐ nên tìm hiểu thật kỹ công việc, công ty, doanh nghiệp (DN) mà mình đã chọn. Việc này rất cần thiết một khi NLĐ muốn chuyển việc và cần thiết hơn nhiều khi NLĐ muốn tìm việc ở địa phương khác.

Không có gì tệ hơn khi bạn trải qua tất cả những cảm xúc và nỗ lực để di chuyển đến nơi làm việc mới rồi sau đó nhận ra mình không phù hợp với công việc này chỉ vì đã không hiểu đủ về nó trước khi nhận lời. Tìm hiểu cẩn thận cũng sẽ giúp ích cho NLĐ khi tham dự phỏng vấn và quyết định nhận việc ở nơi xa.

Nếu tìm được vị trí công việc phù hợp tại một DN ưng ý, quá trình ứng tuyển, phỏng vấn sẽ diễn ra và như thường thấy, ƯV từ xa sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để chinh phục nhà tuyển dụng.

Do đó, NLĐ cần chứng tỏ được sự nổi trội của bản thân với vị trí công việc mà mình theo đuổi. Phải thật sự nổi bật, phải cho nhà tuyển dụng thấy được bạn rất phù hợp với công việc đó và sẽ giúp DN phát huy hết tiềm năng.

Khi ứng tuyển, NLĐ cần cho nhà tuyển dụng thấy lý do mình muốn đến với họ. Một bức thư dự tuyển có sức thuyết phục sẽ là công cụ tốt để ƯV giải thích thuyết phục về tình trạng của mình và thể hiện cam kết muốn đi xa. Hãy tập trung vào những lý do thực tế cho thấy bạn sẵn lòng thay đổi nơi ở vì thích công việc đang ứng tuyển và có suy nghĩ gắn bó lâu dài.

Nhiều nhà tuyển dụng thường lo rằng các ƯV ở xa sẽ chỉ coi công việc của họ như chỗ dừng chân ngắn hạn rồi sẽ nhanh chóng rời đi. Hãy làm điều gì đó để nhà tuyển dụng tin tưởng vào khả năng gắn bó của bạn.

Thêm một lời khuyên nữa mà các chuyên gia dành cho NLĐ một khi quyết định đến nơi khác làm việc. Đó là phải cân nhắc xem mình có sẵn sàng chi trả những khoản ăn ở, sinh hoạt phí cho việc sẽ phải "làm lại từ đầu" hay không.

Nhiều DN sẵn sàng hỗ trợ các khoản phí cho NLĐ vì họ muốn tìm người giỏi cho vị trí còn khuyết. Tuy nhiên, nếu vị trí mà bạn ứng tuyển khá bình thường thì việc yêu cầu DN trả phí sinh hoạt hay di chuyển cho mình là rất khó. Do đó, hãy cân nhắc thật kỹ vì tài chính cá nhân luôn là mối bận tâm hàng đầu của NLĐ.