1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam:

Tìm nhân lực cho làng du lịch sinh thái

Công Bính

(Dân trí) - Chiều 26/12, UN-Habitat và trường Cao đẳng Quảng Nam có buổi làm việc để tìm kiếm nguồn lao động phục vụ cho làng du lịch cộng đồng tại làng bích họa Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.

UN-Habitat (chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc) đang triển khai dự án "tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị tại Việt Nam" (ISCB) do chính phủ Thụy Sỹ tài trợ tại địa bàn TP Tam Kỳ.

Truong-cao-dang-quang-nam_congbinh 1

Cán bộ điều phối dự án ISCB, làm việc với trường Cao đẳng Quảng Nam (Ảnh: Công Bính).

Bà Đặng Việt Hà, cán bộ điều phối dự án ISCB, cho hay, dự án tìm hiểu về ngành đào tạo và năng lực đào tạo của trường Cao đẳng Quảng Nam liên quan đến lĩnh vực du lịch và dịch vụ, đồng thời chia sẻ thông tin về việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế du lịch, nghệ thuật cộng đồng tại Tam Thanh.

Trên cơ sở đó, hai bên thảo luận các triển vọng hợp tác và hỗ trợ dự án Tam Thanh liên quan đến xây dựng nguồn nhân lực địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững, thích ứng.

Ngoài ra, UN-Habitat chia sẻ thêm các hoạt động khác tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, liên quan đến dự án thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ trong xây dựng TP Tam Kỳ sáng tạo.

"Chúng tôi làm việc với nhiều trường đại học, cao đẳng cùng các sở, ngành của tỉnh để có tầm nhìn tổng thể xây dựng chiến lược Tam Thanh phù hợp với địa phương, cũng như xác định nguồn lực để triển khai dự án", bà Đặng Việt Hà cho hay.

Theo bà Hà, dự án đang xây dựng tổng thể nên chưa xác định cần bao nhiêu nguồn lực để phát triển tại làng bích họa Tam Thanh. Dự kiến đến cuối năm 2024, dự án sẽ triển khai.

"Khi triển khai dự án, chúng tôi cần lực lượng lao động tại địa phương được đào tạo để triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên tính chất nguồn lực như thế nào, số lượng bao nhiêu, cần tiếp tục làm việc với các ngành chức năng", bà Hà nói.

Truong-cao-dang-quang-nam_congbinh 2

PGS. TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam - tại buổi làm việc với UN-Habitat (Ảnh: Công Bính).

Tại buổi làm việc, PGS. TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam - cho hay trường đào tạo hầu hết các khối ngành. Trong đó khối ngành du lịch bao gồm hướng dẫn viên du lịch, quản trị dịch vụ, du lịch và lữ hành, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, quản lý và kinh doanh du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống. Trường hiện có 700 học sinh, sinh viên khối ngành du lịch.

Nhà trường đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch, các tập đoàn, công ty, khách sạn, nhà hàng lớn để phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đưa sinh viên đến thực hành, thực tập nên sinh viên nhà trường tốt nghiệp đều có việc làm và làm đúng với chuyên môn được đào tạo.

Theo Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam, đối với dự án ISCB, nhà trường có thể tư vấn và phối hợp xây dựng các nội dung đào tạo theo đề xuất, đó là đào tạo chứng nhận trình độ sơ cấp về homestay, quản lý nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, tiếng Anh chuyên ngành du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, nhà trường phối kết hợp trong việc xây dựng các câu lạc bộ hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ các hộ dân tham gia chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho người dân tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng tại Tam Thanh.

"Nhiều thầy cô giáo của Trường Cao đẳng Quảng Nam từng tham gia các dự án cộng đồng và nhiều chương trình tập huấn nên công tác phối hợp sẽ rất thuận lợi", Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam nói.