Giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An - bài cuối:
Tìm lời giải từ chính nơi...xoá nghèo
(Dân trí) - Xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Nghệ An. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, những giải pháp triển khai thực tế tại địa phương cũng rất cần thiết. Để làm rõ thêm vấn đề này, PV Dân trí đã có những trao đổi với lãnh đạo các cấp và chủ hộ gia đình của Nghệ An.
Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: "Gắn giải quyết việc làm với giảm nghèo bền vững".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Thông nhận định: “Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với các huyện miền núi khó khăn. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo của Nghệ An còn cao hơn mức bình quân của cả nước, tập trung lớn ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khiến chênh lệch giữa khu vực miền núi và đồng bằng tăng cao”.
Cũng theo ông Lê Minh Thông, để công tác xóa đói giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đầu tư hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông nhằm đẩy mạnh thông thương giữa các vùng, các khu vực, tăng giá trị sản phẩm do đồng bào sản xuất.
“Bên cạnh đó cần xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế phù hợp; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào trong xóa đói giảm nghèo, từ đó từng bước thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại. Đặc biệt là đưa tiêu chí xóa nghèo vào công tác thi đua và nhiệm vụ thường xuyên của từng địa phương và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở” - ông Lê Minh Thông cho biết.
Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An: "Thay đổi chính sách hỗ trợ, giảm cho không".
Theo ông Lương Thanh Hải, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương, hiện nay trung bình một xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn được thụ hưởng trên 20 loại chính sách mỗi năm. Công tác giảm nghèo ở Nghệ An đã đạt được kết quả tốt nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tái nghèo còn cao.
Đặc biệt việc được hỗ trợ “tận tay” đã vô tình tạo nên sức ỳ lớn trong việc thoát nghèo của người dân. Thậm chí một bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo, không thuộc diện hộ nghèo nhưng “tình nguyện” xin làm hộ nghèo để được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
“Các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo cần phải thay đổi để phù hợp và phát huy được ý nghĩa tốt đẹp. Việc hỗ trợ là cần thiết nhưng phải kích thích được việc tổ chức sản xuất thay vì ngồi không và thụ hưởng như hiện nay”- ông Lương Thanh Hải nhấn mạnh
Đặc biệt, cần phải giảm tình trạng “cho không”, tất nhiên là trừ những hộ không thể thoát nghèo như hộ người già, người tàn tật. Thay vì “cho không” cần tăng hỗ trợ có điều kiện như cho vay vốn, hoặc “cho không” nhưng cần có điều kiện kèm theo để gắn trách nhiệm của người thụ hưởng trong vấn đề thoát nghèo.
Ông Lương Thanh Hải lưu ý, việc thay đổi tư duy và nhận thức của người dân không phải là một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình lâu dài và phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Để người dân thay đổi tư tưởng trông chờ và ỷ lại, theo ông Lương Thanh Hải cho rằng: “Điều quan trọng nhất là tạo sinh kế bền vững cho chính người dân. Muốn vậy cần phải có những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Người dân trước hết là phải đủ ăn, không phải cứu đói thì mới có thể tính đến chuyện thoát nghèo và làm giàu”.
Ông Lương Phi Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An): "Có đầu ra ổn định bà con mới yên tâm sản xuất thoát nghèo".
Kết thúc năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo của xã Tam Hợp là 49%, giảm hơn 21% so với năm 2012 (hơn 70%). Gần 20% số hộ thoát nghèo, đó là nỗ lực không nhỏ của chính quyền địa phương các cấp và của chính người dân xã nghèo này.
Với điều kiện đặc thù thì hướng phát triển của xã nghèo biên giới này vẫn là trồng trọt và chăn nuôi, trong đó có giống gừng địa phương. Mặc dù cây gừng hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết và cho năng suất cao nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó do thiếu đầu ra và bị ép giá, người dân không còn mặn mà trồng.
Ông Lương Phi Thanh nhận định: “Từ năm 2017 tới nay, xã phối hợp với Làng thanh niên lập nghiệp thử nghiệm trồng cây nghệ đỏ ở 2 bản người Mông sinh sống là Phà Lỏm và Huồi Sơn. 2,3 tấn nghệ đỏ thu hoạch được sau vụ đầu tiên bán được 170 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô và trồng gừng, đồng bào phấn khởi lắm”.
Năm 2018, UBND xã được giao chỉ tiêu phát triển diện tích cây nghệ đỏ lên 12ha. Với diện tích này, đầu năm 2019, xã sẽ cho thu hoạch từ 400-500 tấn củ, với mức giá như hiện tại sẽ thu từ 3-4 tỷ đồng.
Theo ông Lương Phi Thanh, tiềm năng từ cây nghệ đỏ khá lớn. Với hiệu quả bước đầu như vậy, người dân cũng hào hứng nhưng để nghệ đỏ trở thành thoát nghèo thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm phải đảm bảo.
Ông chủ trẻ Xồng Bá Dênh: "Cần tiếp cận được vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất".
Trước đây, gia đình Xồng Bá Dênh (SN 1985, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) luôn nằm trong danh sách cứu đói của xã. Nhưng hiện nay, Dênh đã là ông chủ của một mô hình kinh tế ăn nên làm ra ở xã vùng biên này.
Nằm dưới chân núi Phuxailaileng, xã Na Ngoi có điều kiện lý tưởng để phát triển chăn nuôi giống trâu, bò bản địa. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế của chàng trai trẻ Xồng Bá Dênh.
Với 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội, Dênh mua trâu cái địa phương về nuôi.
Cũng vài ba bận tưởng chừng như trắng tay do dịch bệnh, anh Xồng Bá Dênh đã rút nhiều bài học kinh nghiệm về khoanh vùng chăn nuôi để quản lý và đặc biệt là chủ động nguồn thức ăn dự trữ.
Đến nay, Xồng Bá Dênh đã là ông chủ của đàn trâu 12 con và 9 con bò, cho thu nhập bình quân hàng đạt gần 200 triệu đồng.
Anh Xồng Bá Dênh cho biết: “Các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hay nguồn Quỹ của các tổ chức xã hội sẽ là “bà đỡ” cho người dân vùng biên trong việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.
Tuy nhiên, ông chủ trẻ Xồng Bá Dênh vẫn băn khoăn về việc tiếp cận nguồn vốn đối với người dân vùng sâu, vùng xa còn khá khó khăn, thời gian hoàn vốn ngắn trong khi đó việc chăn nuôi, sản xuất phải đối mặt với nhiều nguy cơ và khó khăn.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Một số chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2020
- Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân:
+ Từ 80% - 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
+ Từ 70% - 80% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
+ Từ 60% - 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, từ 80% - 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
+ 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới;
+ 75% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;
+ Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm.
- Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo.
- Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho khoảng 20.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó từ 60% - 70% lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.
- 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 50% các xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; có 100 huyện và khoảng 600 xã được trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động; thiết lập ít nhất 20 cụm thông tin cơ sở tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương.
- 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác; Hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho khoảng 10.000 hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc rất ít người; hộ nghèo sống tại các xã đặc biệt khó khăn…
Hoàng Mạnh tổng hợp
Hoàng Lam