PhotoStory

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo

Thực hiện: Bảo Kỳ

(Dân trí) - Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến đang khiến nhiều chợ truyền thống ế ẩm. Tại Cần Thơ cũng không tránh khỏi tình trạng trên, nhiều tiểu thương cho biết họ dọn hàng 5 ngày mới có người mở hàng.

Dịch Covid-19 đã qua đi khá lâu nhưng làn sóng khủng hoảng kinh tế đang khiến nhiều ngành nghề gặp ảnh hưởng. Trong đó phải kể đến hoạt động kinh doanh, mua bán ở các chợ, trung tâm thương mại. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 1

Từng được mệnh danh là thiên đường mua sắm ở TP Cần Thơ, Trung tâm thương mại Cái Khế (thường gọi là chợ Cái Khế) nằm cách bến Ninh Kiều khoảng 2km, là khu chợ cung cấp nhiều mặt hàng thời trang, trang sức, phụ kiện theo "mốt". Gần chục năm trước, nơi này luôn là điểm đến hàng đầu của người dân. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 2

Trái ngược với hình ảnh nhộn nhịp năm nào, nhiều tháng nay việc buôn bán của tiểu thương tại chợ Cái Khế rất ế ẩm. Có trường hợp bán 5 ngày liền mới có người mở hàng.

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 3

9h sáng chủ nhật, thường là thời điểm mua hàng nhộn nhịp nhất, song dạo một vòng quanh chợ, nhiều chủ sạp uể oải, vắt chân chữ ngũ lướt điện thoại, một số tụm lại tán gẫu, có người còn lặt rau. Những hành lang vắng khách, chỉ nghe âm thanh từ điện thoại phát ra. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 4

Ghé lại tại một gian hàng áo thun, đồng phục, bà Phạm Hồng Liên (chủ lô 65) nhanh nhảu giới thiệu: "Mua đi con, áo thun đồng giá 50.000 đồng/cái, có đủ size từ S-L". 

Bà Liên kể, giá mỗi chiếc áo ban đầu là 150.000 đồng, nhưng vì bán quá ế, bà liên tục hạ giá rồi chạm mốc 50.000 đồng. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 5

"Mức giá này để thu hồi vốn nhưng vẫn không có người mua. Mỗi ngày có khoảng 50-60 người đi chợ, họ đi vòng vòng xem chứ ít mua lắm. Có những tuần dọn hàng 5 ngày cũng chẳng có khách", bà Liên rầu rĩ. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 6

Tương tự bà Liên, chị Nguyễn Thị Minh Chính (37 tuổi, chủ lô quần áo Kim Dung) tâm sự, sau dịch Covid-19 việc kinh doanh có khởi sắc, nhưng từ năm 2022 sức mua sắm bắt đầu chững lại. Đặc biệt, qua Tết Nguyên đán 2023, tốc độ tiêu thụ mặt hàng thời trang giảm đáng kể. Những người không cầm cự được buộc phải tạm nghỉ, cho thuê hoặc sang nhượng sạp để tránh thua lỗ.

"Chi phí thuê mặt bằng, điện nước, vệ sinh khoảng 2-3 triệu đồng/tháng nhưng doanh thu mỗi ngày rất thấp, không đủ gồng gánh. Đây đang là sức ép khiến tiểu thương phân vân giữa việc đóng sạp hoặc gồng lỗ bán tiếp", chị Chính cho hay. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 7

Khảo sát nhiều tiểu thương, họ đều nhận định nguyên nhân khiến mua sắm ở chợ ảm đạm là do "cơn lốc" mua hàng online. Sự tiện lợi của các nền tảng bán hàng trực tuyến với những mẫu mã mới kèm ưu đãi như mã giảm giá, miễn phí giao hàng,... Là những lý do thu hút người tiêu dùng. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 8

Ngay cả người kinh doanh như bà Liên cũng không ngoại lệ, bà thừa nhận thường xuyên xem livestream (phát trực tiếp) rồi đặt hàng. 

"Chỉ cần ngồi xem livestream, chốt đơn. Mẫu mã mình đặt sẽ được giao hàng tận nơi. Bản thân tôi cũng bị cuốn vào cách mua hàng này, huống gì người khác", bà Liên nói thêm. 

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 9

Dẫu biết mua hàng online đang là xu thế thời 4.0, song nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống như chị Chính, bà Liên vẫn khó tiếp cận kiểu kinh doanh này. Những lý do được đưa ra là không biết cách livestream, tài khoản TikTok, Facebook ít tương tác, sợ không có khách xem... Nhiều người mong muốn thuế, chi phí thuê mặt bằng được hỗ trợ để tiếp tục bám chợ.

Tiểu thương Cần Thơ đau đầu vì 5 ngày chưa bán nổi chiếc áo - 10

Được biết, người mua sắm tại các chợ đa số là người trung niên. Giới trẻ thường mua sắm trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (quận Ninh Kiều) cho hay: "Vài năm gần đây tôi thường mua quần áo online vì tiện lợi, không sợ bị nói thách giá. Một sản phẩm nhưng có nhiều người bán mình sẽ so sánh được giá cả. Nếu nhận hàng không ưng ý có thể trả hàng, yêu cầu hoàn tiền. Mọi thao tác chỉ việc ở nhà không cần bước đến cửa hàng lựa chọn". 

Tuy vậy, còn nhiều khách hàng vẫn thích mua sắm trực tiếp vì kiểm tra được mặt hàng cần mua. Không sợ rơi vào cảnh "hàng đặt trên mạng và cái kết không giống hình".