1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tiền lương toàn cầu tăng, vượt qua mức lạm phát

Hoa Lê

(Dân trí) - Tiền lương toàn cầu đã tăng nhanh hơn lạm phát và dự báo sẽ tăng cao nhất trong hơn 15 năm qua.

Theo báo cáo về "Tiền lương toàn cầu 2024-2025: Bất bình đẳng về tiền lương đang giảm trên toàn cầu?", Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, tiền lương trung bình toàn cầu đã tăng trưởng trở lại, nhanh hơn lạm phát.

Dữ liệu sơ bộ trong hai quý đầu năm cho thấy tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu đạt mức tăng 2,7%. ILO khẳng định đây là mức tăng lớn nhất trong hơn 15 năm qua.

Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu ước tính là 2,3%. Ngoài ra, sau hai năm suy giảm, từ năm 2024, tiền lương thực tế ở các nền kinh tế G20 tiên tiến đã tăng trở lại đạt mức 0,9%, trong khi các nền kinh tế G20 mới nổi ghi nhận mức tăng 5,9%.

Xét về khía cạnh khu vực, tăng trưởng tiền lương thực tế cũng không đồng nhất. Điều này thể hiện qua mức lương trung bình tăng nhanh hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung - Tây Á, và Đông Âu so với phần còn lại của thế giới.

Báo cáo cho thấy, trung bình, năng suất lao động ở các nước có thu nhập cao tăng nhanh hơn tiền lương thực tế trong giai đoạn 1999-2024, tương ứng 29% so với 15%.

Trong năm 2022 và 2023, thêm nhiều quốc gia đã điều chỉnh mức lương tối thiểu để ứng phó với vấn đề gia tăng lạm phát.

Tiền lương toàn cầu tăng, vượt qua mức lạm phát - 1

Tiền lương trung bình toàn cầu tăng trở lại (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, đối với người nhận mức lương tối thiểu, những thay đổi này không đủ để bù đắp chi phí sinh hoạt tăng cao.

Dựa trên mẫu nghiên cứu ở 160 quốc gia, dữ liệu cho thấy gần 60% các nước này đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vào năm 2022. Tuy nhiên, chỉ 1/4 trong số các quốc gia có tăng lương này đạt được mức tăng lương tối thiểu theo giá trị thực.

Ở 55% các quốc gia trong mẫu nghiên cứu, năm 2023, mức lương tối thiểu đã tăng theo giá trị thực nhưng trong hầu hết các trường hợp, mức tăng này không đủ lớn để bù đắp cho sự suy giảm trong hai năm trước đó.

Điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo vệ sức mua của những người có thu nhập thấp, đồng thời tính đến các yếu tố kinh tế, vẫn là ưu tiên hàng đầu.

ILO cho rằng, điều này đặc biệt quan trọng vì báo cáo xác nhận rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt năm 2021 và 2022 có tác động mạnh hơn đến những người có thu nhập thấp và gia đình họ.

Nhóm này dành phần lớn thu nhập để mua các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu nhưng giá cả của những mặt hàng này lại tăng nhanh hơn chỉ số giá tiêu dùng bình quân.

Theo báo cáo mới của ILO, kể từ năm 2000 tới nay, mặc dù bất bình đẳng về tiền lương đã giảm ở khoảng 2/3 các quốc gia, và đã có xu hướng tích cực nhưng chênh lệch tiền lương đáng kể vẫn tồn tại trên toàn thế giới.

Tình trạng bất bình đẳng về tiền lương giảm chậm hơn ở nước giàu, với mức giảm hàng năm từ 0,3% đến 1,3% ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao, và từ 0,3% đến 0,7% ở các quốc gia có thu nhập cao.

Hơn nữa, mặc dù bất bình đẳng tiền lương nhìn chung đã thu hẹp, mức giảm đáng kể hơn vẫn ghi nhận ở nhóm lao động làm công hưởng lương có mức lương cao trên thang lương.