1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tiền ký quỹ, các khoản chi phí lao động đi làm việc ở nước ngoài cần biết

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Tiền ký quỹ, tiền dịch vụ, tiền Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đề phòng rủi ro... là các khoản chi phí người lao động phải đóng trước khi đi làm việc tại nước ngoài.

Các khoản phí phải đóng khi đi làm việc ở nước ngoài

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, 11 tháng đầu năm 2022, có 122.000 lao động đi làm việc nước ngoài. Từ năm 2013 đến 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trong hơn 30 nhóm ngành nghề.

Cục này cũng cho biết, mỗi năm có hơn 100 nghìn lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, không phải lao động nào cũng có đủ kiến thức, hiểu biết về các khoản kinh phí phải đóng góp trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 21 Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có quy định về các khoản tiền phí mà lao động phải đóng góp.

Cụ thể, tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.

Trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 21 cũng quy định, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức trần tiền dịch vụ.

Người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc.

Doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động tại Nhật Bản được quy định không thu đối với thực tập sinh kỹ năng 3 và lao động kỹ năng đặc định. Đối với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì thu 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Đối với Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với việc chăm sóc người già, trẻ em, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia và các nước khu vực Trung Đông cũng không phải đóng tiền dịch vụ.

Tiền ký quỹ khi lao động đi làm việc ở nước ngoài

Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.

Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Còn với tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được gửi tại ngân hàng và chỉ được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả số tiền đã sử dụng và bảo đảm mức ký quỹ theo quy định.

Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ phát sinh đối với người lao động chưa thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại thời điểm chuyển giao; sau khi trừ phí dịch vụ ngân hàng. Nếu tiền ký quỹ còn thừa thì doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ khác theo quy định của pháp luật về phá sản.

Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đề phòng rủi ro

Điều 8, Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cũng có quy định mức đóng góp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp Quỹ mức 100.000 đồng/người/hợp đồng. Thực tế, số tiền đóng góp này rất thấp, nhưng nếu không may gặp rủi ro lao động có thể được nhận số tiền lớn hơn gấp trăm lần.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo 3 hình thức, loại hợp đồng ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế, ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoặc trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Người lao động sau khi ký hợp đồng với chủ sử dụng ở nước ngoài được hướng dẫn đóng góp trực tiếp vào Quỹ bằng hình thức chuyển khoản. Thủ tục nhanh gọn không phát sinh giấy tờ, không cần phải đi lại.