1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tỉ lệ học sinh nghề có việc làm đạt khoảng 78%

(Dân trí) - Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề chưa tốt, chỉ có khoảng 2,5 - 3,5% học sinh tốt nghiệp THCS chủ động tham gia học nghề. Trong khi đó, tỉ lệ học sinh nghề có việc sau khi tốt nghiệp lên tới hơn 78%.

Thông tin do Tổng
Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) công bố ngày 14/1 tại Hà Nội.

Thông tin do Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) công bố ngày 14/1 tại Hà Nội.

Tỉ lệ này rất thấp so với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị là “…năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề...”.

Trái ngược với kết quả từ “đầu vào”, những đánh giá của kết quả khảo sát “đầu ra” do Tổng cục Dạy nghề khảo sát năm 2014 cho thấy, số lượng sinh viên, học sinh và người học tốt nghiệp khoảng 1.518 ngàn người.

Trong đó tỉ lệ trung bình có việc làm trên 78%, mức lương của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng trả giao động từ 3,8 - 7.000.000 đồng/người/tháng.

Tỉ lệ học sinh có việc làm khá cao, nhưng công tác tuyển sinh học nghề của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đang gặp nhiều khó khăn. Một số trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, thậm chí có những nghề khó tuyển sinh.

Theo

Theo ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề, nguyên nhân của việc tuyển sinh khó có thể do: Công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, không theo kịp nhu cầu thực tế, còn nặng việc hướng học sinh học đại học, không muốn học nghề; một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của dạy nghề trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng ta chưa có cơ chế để doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Trong khi đó, nhiều cơ quan hành chính nhà nước không muốn tuyển dụng người học nghề vào làm việc nên đã ảnh hưởng đến tâm lý người học nghề” - ông Dương Đức Lân cho biết.

Nhiều chuyên gia đào tạo nhận định: Điều kiện để học liên thông từ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên đại học còn nhiều khó khăn nên không thu hút người học nghề, nhiều học sinh nghĩ rằng vào học nghề là ngõ cụt, không học tập được suốt đời.

Mặt khác, số lượng các trường đại học trên toàn quốc tăng nhanh; quy chế tuyển sinh theo xu hướng mở rộng hơn; điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh kéo dài nên đã thu hút phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học, cao đẳng.

Đánh giá kết quả năm 2014, Tổng Cục Dạy nghề công bố kết quả tuyển sinh dạy nghề đạt mức 2.023.000 người, trong đó: Trình độ cao đăng nghề, trung cấp nghề 220.593 người (bằng 78,8% so với kế hoạch), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 1.802.000 người (bằng 120,2% so với kế hoạch), tổ chức dạy nghề cho 534.807 lao động.


 
Nhận định về thuận lợi khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1/7, ông Dương Đức Lân nói: Luật đã mang lại sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống đào tạo nhân lực lao động kỹ thuật trực tiếp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có các cấp trình độ đào tạo: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp tương thích với hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN, thế giới và đảm bảo tính hội nhập quốc tế.

Vị đại diện Tổng Cục Dạy nghề cũng đánh giá, việc liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp với các trình độ giáo dục đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân thuận lợi hơn sẽ khuyến khích học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Hoàng Mạnh

 5 sự kiện nổi bật của ngành dạy nghề năm 2014:

- Tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X

- Quốc hội thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp

- Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020"

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1982/QĐ-TTg về phê duyệt "Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020".