Hợp tác công - tư, chất lượng nhân lực sẽ thực chất hơn

(Dân trí) - “Việt Nam thi 24/50 nghề tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43. Các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tài trợ ôn luyện 7 nghề. Xu hướng doanh nghiệp tài trợ đào tạo sẽ gia tăng, giảm thiểu kinh phí Nhà nước. Điều này phản ánh đúng thực tế, bởi nhân lực có tay nghề cũng sẽ phục vụ cho doanh nghiệp”.

Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Tổng Cục dạy nghề và Công ty TNHH Denso Việt Nam
Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Tổng Cục dạy nghề và Công ty TNHH Denso Việt Nam

Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Báo Dân trí trong Lễ ký Bản ghi nhớ giữa Tổng Cục dạy nghề và Công ty TNHH Denso Việt Nam sáng 24/12 tại Hà Nội.

Theo đó, Công ty Denso Việt Nam sẽ hỗ trợ Tổng cục Dạy nghề đào tạo, huấn luyện thí sinh Việt Nam tham gia khóa huấn luyện chính thức nghề Phay CNC và Điều kiển công nghiệp tại Trung tâm đào tạo kỹ năng của Công ty Denso và tham dự kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 43 (tháng 8/2015) tại Brazil.

Đây là 2 nghề thuộc thế mạnh của công ty Denso. Trước đây, công ty Denso đã từng hướng dẫn thí sinh Nhật Bản đoạt huy chương vàng ở các nghề trên tại Kỳ thi tay nghề thế giới.

Dự báo việc hợp tác công - tư về dạy nghề sẽ càng phát triển Việt Nam, ông Dương Đức Lân cho rằng đây là điều tất yếu bởi đã diễn ra ở những nước kinh tế phát triển từ lâu.

Ông Dương Đức Lân - Tổng
Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)

“Tại Hàn Quốc, đoàn thí sinh của họ dự thi 40 nghề trong Kỳ thi tay nghề thế giới, trong đó các doanh nghiệp tài trợ công tác huấn luyện tới hơn 30 nghề. Tập đoàn Samsung đã tài trợ 17 nghề. Nhà nước chỉ đầu tư một số ít nghề” - ông Dương Đức Lân nói.

Tại Việt Nam, ngân sách chi cho huấn luyện, đào tạo thí sinh trước đây chủ yếu do Nhà nước tài trợ. Cách làm sơ khai và sẽ dần thay đổi theo hướng xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư.

“Doanh nghiệp có nhu cầu tài trợ cho thí sinh đi thi. Khi thí sinh chứng tỏ được tay nghề và trình độ, doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận. Một lao động chất lượng cao sẽ bằng rất nhiều lao động khác” - ông Dương Đức Lân nói.

Thi tay nghề thế giới là dịp thể hiện trình độ, kỹ năng nghề đỉnh cao của đất nước. Đặc biệt là thời điểm Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sắp được thành lập. Khi đó, lao động được tự do di chuyển tìm kiếm việc làm trong khối ASEAN.

Tham dự thi Kỳ thi tay nghề thế giới 4 lần, Việt Nam mới dừng ở mức đoạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, chưa từng có một huy chương nào.

Thí sính Việt nam dự Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10
Thí sính Việt nam dự Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10

Ông Isao Mizuno, Tổng Giám đốc Công Ty Denso Việt Nam, cho biết: Xu hướng phát triển công nghiệp tại Việt Nam tăng nhanh. Việt Nam cần những nhân lực giỏi và am hiểu nhiều ngành nghề. “Chính vì vậy, chúng tôi quyết định hợp tác với Tổng cục Dạy nghề để triển khai đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành cơ khí”.

Bên cạnh việc đánh giá lao động Việt Nam thuộc thế hệ trẻ, học hỏi nhanh và có nhiều sáng kiến trong công việc, ông Isao Mizuno cho rằng nhiều bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nhóm còn yếu. "Nếu các bạn khắc phục được điều này thì sẽ nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam".

Hoàng Mạnh

Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 sẽ được tổ chức vào tháng 8/2015 tại São Paulo (Brazil). Dự kiến có 72 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Kỳ thi có 50 nghề, trong đó có 46 nghề chính thức và 4 nghề trình diễn. Số lượng thí sinh dự thi là 1273 người.