Thực hiện NĐ 05/2015/NĐ-CP về HĐLĐ: Còn nhiều băn khoăn
Nghị định 05/2015/NĐ-CP (viết tắt NĐ 05) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động (BLLĐ), có hiệu lực từ 1.3.2015. Bên cạnh nhiều quy định rõ ràng, cụ thể thì còn một số điều trong nghị định này gây băn khoăn cho nhiều DN, đơn vị”
Nghị định 05/2015/NĐ-CP còn bỏ ngỏ về HĐLĐ nhiều vấn đề khiến NLĐ băn khoăn.
Luật sư Nguyễn Văn Kha - Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự (Đoàn luật sư TPHCM) - cho biết.Người lao động có thể bị thiệt
Một điểm mới trong NĐ 05 quy định tại Điều 5 là trong quá trình thực hiện HĐLĐ, hai bên có quyền sửa đổi thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục HĐLĐ. Theo đó, thời hạn HĐLĐ chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục HĐLĐ và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết…
Ông Nguyễn Đức Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế Cty dự án Hồ Tràm, nghiên cứu sinh tiến sĩ luật tại Đại học Paris 2 (Pháp) - băn khoăn phân tích: Theo quy định của BLLĐ, người sử dụng LĐ có quyền ký kết HĐLĐ thời hạn với NLĐ hai lần, sau đó nếu tiếp tục có QHLĐ thì hai bên phải ký tiếp HĐLĐ không xác định thời hạn.
“Quy định tại Điều 5 không nói rõ việc sửa đổi thời hạn HĐLĐ chỉ được thực hiện với một HĐLĐ xác định thời hạn hay là cả hai lần HĐLĐ xác định thời hạn. Nếu được gia hạn với cả hai lần HĐLĐ xác định thời hạn, thì có thể được xem là 4 lần giao kết HĐLĐ xác định thời hạn. Người sử dụng LĐ có thể lợi dụng điều này mà kéo dài nghĩa vụ giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn với NLĐ”.
Chưa hết, tại Điều 6, NĐ 05 quy định: “Khi NSDLĐ có nhu cầu và NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới. Khi NSDLĐ không có nhu cầu hoặc NLĐ cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt HĐLĐ”.
Với quy định này, NLĐ cao tuổi có thể bị chấm dứt HĐLĐ bất cứ lúc nào với lý do NSDLĐ không có nhu cầu. “Điều này sẽ dẫn đến NLĐ có thể bị thiệt thòi nếu NSDLĐ thiếu thiện chí” - luật sư Nguyễn Văn Kha chia sẻ.
Cần quy định cụ thể hơn
Thực tế trong giai đoạn vừa qua, nhiều NLĐ ở các Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu hay trong các tập đoàn kinh tế được cử sang làm đại diện phần vốn nhà nước trong các Cty CP, Cty TNHH khác. Đến hết thời hạn được cử đi, họ cũng loay hoay khi không biết phải trở lại đơn vị cũ như thế nào?
Từ đó, Điều 9, NĐ 05 đã đưa ra quy định về “thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ khi được bổ nhiệm hoặc được cử làm người đại diện phần vốn góp của Nhà nước”. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2, Điều 10 về “nhận lại NLĐ khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ” lại đang gây “tâm tư” cho nhiều người.
Khoản 2, Điều 10, quy định: “NSDLĐ có trách nhiệm bố trí NLĐ làm công việc trong HĐLĐ đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong HĐLĐ đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung HĐLĐ đã giao kết hoặc giao kết HĐLĐ mới”.
Giám đốc một Cty CP có vốn góp của Nhà nước, phân tích, hầu hết thời gian những người được cử đi làm đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở Cty thì cũng phải vài năm. Với thời gian đó, khi trở lại Cty, đơn vị cũ thường khó được thực hiện đúng công việc theo HĐLĐ đã giao kết vì đã có người thay thế.
Trong khi đó, khoản 2, Điều 10, NĐ 05 quy định: “...trường hợp không bố trí được công việc trong HĐLĐ đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung HĐLĐ đã giao kết hoặc giao kết HĐLĐ mới”. “Nếu thỏa thuận được công việc tốt thì không nói làm gì, còn ngược lại sẽ rất thiệt thòi. Điều này nghị định còn bỏ ngỏ” - vị giám đốc này bày tỏ.
Theo Laodong.com.vn