1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thủ tướng: Phát triển kinh tế thị trường nhưng không coi nhẹ vấn đề trẻ em

(Dân trí) - "Truyền thống của dân tộc ta là kính già yêu trẻ, trên kính dưới nhường. Bởi vậy, ai xâm phạm trẻ em tức là vi phạm Hiến pháp, truyền thống và đạo đức của dân tộc” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em.

Thủ tướng: Phát triển kinh tế thị trường nhưng không coi nhẹ vấn đề trẻ em - 1

Hội nghị do Uỷ ban Quốc gia về trẻ em tổ chức sáng 6/8 tại Hà Nội. Đây là chương trình trực tuyến đầu tiên được thực hiện trong cả nước, thu hút hơn 18.000 người tham dự, gồm cả lãnh đạo các xã cùng sâu vùng xa về công tác trẻ em.

Thành tựu đáng ghi nhận

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc triển khai công tác trẻ em ở nhiều bộ, ngành và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ nhận xét: "Việt Nam tự hào là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 của thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp Quốc về quyền trẻ em. Ngoài ra, Hiến pháp và nhiều văn khác cũng được ban hành quy định về quyền trẻ em”.

Theo Thủ tướng, tới thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng đã cấp BHYT cho tất cả trẻ em vùng sâu xa, gần 100 % trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, 100 % trẻ em đến 5 tuổi được đi học mẫu giáo lớn, Nhà nước không thu học phí cho học sinh tiểu học, 90 % trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có trợ cấp xã hội…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều mô hình tốt về tổ chức công tác trẻ em từ miền núi tới đồng bằng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

"Đây là điều đáng ghi nhận trong việc triển khai công tác trẻ em khi đất nước còn nhiều khó khăn” - Thủ tướng nhận xét.

Nhiều thách thức

Bên cạnh việc đánh giá các ưu điểm, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện chính sách trẻ em trong thời gian qua.

"Tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, thấp còi còn ở mức cao; tình hình bạo lực xâm hại trẻ em còn bức xúc cho xã hội, mỗi năm có gần 2.000 trẻ em đuối nước, gần 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông…” - Thủ tướng nêu rõ.

Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đầy đủ. Việc giáo dục kiến thức cho trẻ em chưa được chú trọng, nhiều địa phương chưa có cơ quan chuyên trách về trẻ em…

Thủ tướng: Phát triển kinh tế thị trường nhưng không coi nhẹ vấn đề trẻ em - 3

Đặc biệt, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang gây ra nhức nhối trong xã hội. Mặc dù đây mới chỉ là vi phạm 1 lĩnh vực của trẻ em. Ngoài ra, việc giám sát thực hiện 25 quyền của trẻ em cũng cần được coi trọng…

Thủ tướng thẳng thắn đặt nêu vấn đề: "Cả nước có tới 17 bộ, ngành, cơ quan phụ trách về vấn đề trẻ em. Nhưng tình trạng xâm hại vẫn còn nhiều?”.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là để tồn tại việc coi thường luân thường đạo lý, đặc biệt là không quan tâm tới trẻ em.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các đoàn thể, cơ quan, cơ sở phải nhận thức đúng đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc quy định về trẻ em, phòng chống bạo lực, tạo lập cuộc sống của trẻ em.

Trước thực trạng cả nước mới có 590/11.162 xã có cán bộ kiêm nhiệm theo dõi vấn đề về trẻ em, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND xã cần bố trí một công chức phụ trách về vấn đề trẻ em. Trên cơ sở nắm được tình hình kỹ, cơ quan chức năng mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp.

Bên cạnh yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật về trẻ em, Thủ tướng lưu ý việc phải xử lý nghiêm hành vi xâm hại 25 quyền của trẻ em như đánh đập, đối xử ngược đãi chứ không chỉ là xậm hại tình dục…

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, phát động huy động quần áo ấm cho trẻ em…

Cần tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong thời gian qua, công tác giáo dục trẻ em thời gian qua có nhiều thành tựu lớn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Phân tích về các hạn chế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác trẻ em còn gặp nhiều khó khăn bởi các nguyên nhân, như: Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được quan tâm; công tác giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời, thường xuyên, hiệu quả...

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, môi trường thông tin và mạng xã hội có nhiều sản phẩm độc hại. Bên cạnh đó, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa, biến chất về lối sống của một nhóm xã hội làm gia tăng tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.

"Nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ, sao nhãng và thiếu kiến thức, kỹ năng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Để khắc phục điều này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường việc thực thi pháp luật, chính sách về trẻ em, bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ; phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em và tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục...

Hoàng Mạnh