1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu hơn 90 % dân số tham gia BHYT vào năm 2020

(Dân trí) - “Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng nhanh từ 6,5% dân số năm 1993 và hiện đạt trên 82%. Phạm vi, quyền lợi của người có thẻ BHYT được mở rộng gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Hệ thống giám định BHYT đã liên thông 12.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc…”


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về những thành tựu trong công tác thực hiện chính sách BHYT tại Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - chung tay vì sức khoẻ cộng đồng” do Bảo hiểm xã hội VN và Bộ Y tế đồng tổ chức tối 30/6 tại Hà Nội.

Tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định sức khỏe là vốn quý nhất của mọi người và toàn xã hội. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã ban hành chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó chú trọng BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro, bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh.

Năm 2008, lần đầu tiên Luật BHYT được ban hành, tạo cơ sở pháp lý tương vững chắc cho triển khai thực hiện, tiến tới BHYT toàn dân. Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thủ tướng đánh giá cao về công tác thực hiện sau 8 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế, theo đó, cả nước đã triển khai hiệu quả cung cấp BHYT cho hộ nghèo, người dân sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, xã đảo, huyện đảo, đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ tham gia BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và cho học sinh, sinh viên; giảm mức đóng y tế cho hộ gia đình…

Bên cạnh việc biểu dương những thành tích, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và thách thức trong việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân, như: Còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống; việc nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt, việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; việc chấp hành chính sách về BHYT của một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm, nợ BHYT xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời…

Với mục tiêu của chính phủ đặt ra tới năm 2020 là đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và nhận thức sâu sắc về vai trò của BHYT tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính.

Đó là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm, ngư, diêm nghiệp, tham gia BHYT theo hộ gia đình; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật Bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở…

​Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Nhiều thành tựu trong thực hiện chính sách BHYT”.

Tỉ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng, năm 2016 đã có 81,8% dân số tham gia BHYT, vượt 2,8 % so với chỉ tiêu Chính phủ giao.

Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ trên cơ sở định hướng tài chính y tế chuyển dần từ cơ chế cấp ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân tham gia BHYT đã góp phần đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 41% năm 2016.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB, giám định và thanh toán chi phí được triển khai mạnh mẽ tại tất cả các cơ sở y tế thuộc các tuyến. Tới hết quý I/2017, gần 95 % cơ sở đã thực hiện liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH…

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh: “Kết quả đáng ghi nhận sau 8 năm thực hiện Luật BHYT”.

Tính đến nay, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có khoảng trên 75 triệu lượt người KCB được quỹ BHYT chi trả. Nhận thức của nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành ngày càng được nâng cao. Công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT có những chuyển biến rõ nét. Việc mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT đã được thực hiện khá tốt.

Đặc biệt là Hệ thống thông tin giám định BHYT để kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ đến khám chữa bệnh được phục vụ kịp thời, góp phần phần phòng ngừa các biểu hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Đồng thời, việc xây dựng thành công dữ liệu hộ gia đình với đầy đủ thông tin của 24 triệu hộ, với trên 91 triệu người, là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT…

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Hà Nội: Tiếp nhận hơn 76.000 lao động thông báo tình trạng việc làm

Theo TT DVVL Hà Nội, qua 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã tiếp nhận 76.378 lao động thông báo tình trạng tìm việc hàng tháng. Bên cạnh đó, hơn 22.600 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

TT DVVL Hà Nội cũng ban hành quyết định hỗ trợ học nghề cho 899 lao động, trong đó có 879 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Nếu so với cùng kỳ năm 2015 và 2016, số hồ sơ giải quyết BHTN của 6 tháng đầu năm 2017 lần lượt tăng 61 % và 25 %. Đặc biệt, số người có quyết định hưởng TCTN trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng tăng 32,2 % so với cùng kỳ năm 2016” - ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc TT DVVL Hà Nội, phân tích. Cũng trong thời gian trên, TT DVVL Hà Nội đã hoàn thành quy trình hướng dẫn tiếp nhận và giải quyết xử phạt hành chính đối với người lao động có hành vi vi phạm BHTN. TT DVVL Hà Nội đã dự thảo trình Sở LĐ-TB&XH ký 90 quyết định xử phạt hành chính, trong đó có 29 trường hợp đã hưởng BHTN năm 2015, 35 trường hợp hưởng BHTN năm 2016 và 26 trường hợp trong năm 2017. Theo ông Nguyễn Toàn Phong, qua quá trình tìm hiểu, đa số người lao động không cố tình vi phạm mà chủ yếu do một số lý do, như: Không hiểu biết về quy định pháp luật BHTN, do công ty nơi người lao động ký hợp đồng lao động chưa đáp ứng kịp giấy tờ cho việc đăng ký BHTN, người lao động nhận hợp đồng lao động muộn từ phía công ty nên không xác định được thời điểm ngày có việc làm.

H.M

TP HCM: Kiến nghị điều chỉnh chính sách BHXH

Trong tháng 6/2017, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, BHXH VN điều chỉnh chính sách về BHXH đồng bộ với chính sách về lao động trong Bộ luật Lao động.

Theo đó, việc kiến nghị tập trung vào các nội dung, như: Tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ áp dụng khi tuổi lao động đã được kéo dài, hoặc chỉ áp dụng đối với những trường hợp người lao động tham gia lực lượng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH có hiệu lực; quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm...Được biết, Luật BHXH 2014 đã quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

N.D

Chỉ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đang tham gia BHTN

Ông Bùi Văn Dương (Vũ Thư, Thái Bình), hỏi: Tôi giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng với 1 công ty cổ phần từ ngày 01/11/2015 - 31/10/2017 và tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/11/2015 đến hết tháng 6/2017. Từ ngày 01/7/2017 - 30/9/2017, tôi xin nghỉ việc không hưởng lương do đó không tham gia bảo hiểm thất nghiệp thời gian này. Ngày 01/10/2017, tôi làm đơn xin nghỉ việc. Vậy, tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Như vậy, trường hợp ông Dương không được coi là người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp nên không đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.

Việc làm

Có giao kết hợp đồng, người lao động được tham gia BHTN

Bà Phan Thị Ly ở tỉnh Nam Định hỏi: Tôi có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 7 năm. Ngày 01/9/2017 tôi chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 20/9/2017, tôi thi tuyển và làm hợp đồng để trở thành 1 đại lý bảo hiểm cho 1 công ty chuyên về bảo hiểm nhân thọ nhưng công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho tôi. Vậy tôi có được hưởng TCTN không?

Trả lời:

Tại Điều 49 Luật Việc làm quy định các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp quy định về người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm thì người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, bà Ly làm hợp đồng để trở thành một đại lý bảo hiểm cho 1 công ty chuyên về bảo hiểm nhân thọ mà có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì Công ty này phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bà.

Bà sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện, nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà sẽ được bảo lưu cộng dồn và trình tự, thủ tục nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo các quy định nêu trên.

Việc làm