Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, thảo luận về công nghệ 4.0 cùng công nhân viên lao động

(Dân trí) - Chiều nay 24/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII đã diễn ra thành công, với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại Hội Công đoàn VN lần thứ XII. (Ảnh: ST)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại Hội Công đoàn VN lần thứ XII. (Ảnh: ST)

Trăn trở về tăng năng suất lao động

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Qua các phương tiện truyền thông, nghe các đồng chí báo cáo và nghiên cứu nội dung của chương trình Đại hội, tôi được biết Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ VN đã chuẩn bị Đại hội rất kỹ càng, chu đáo, có nhiều đổi mới”.

Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, tinh thần đoàn kết và đề cao trách nhiệm của đại biểu, đồng thời phát huy dân chủ cùng với việc điều hành khoa học của Đoàn Chủ tịch, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Gợi mở cách thức và nội dung phát biểu nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, đề cập thẳng vào các chủ đề thời sự và nêu rõ các giải pháp.

Đồng thời, các ý kiến cần gợi mở cho Chính phủ những ý tưởng, sáng kiến, cách làm để cả nước cùng nỗ lực, chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Thẳng thắn chia sẻ những trăn trở về nâng cao cạnh tranh tầm khu vực và thế giới, nâng cao năng suất lao động và thách thức trước sự phát triển công nghệ 4.0, Thủ tướng nêu ra nhiều vấn đề lớn và có tính thời sự.

Đó là, các đại biểu đánh giá như thế nào về thời cơ, thách thức đối với đất nước trong 5 đến 10 năm tới? Các đại biểu có nhận xét gì về sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua? Những sự hiến kế gì để công tác điều hành, lãnh đạo của Chính phủ được tốt hơn? Đánh giá về năng suất lao động và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ phía người lao động?

Bên cạnh đó, Thủ tướng trăn trở với việc áp dụng những đột phá và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; công tác đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tổ chức công đoàn đã tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác ra sao? Ngay sau Đại hội XII, tổ chức công đoàn sẽ làm gì để đồng hành có hiệu quả với Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước?

Cần nhiều nỗ lực

Những gợi mở của Thủ tướng tạo điều kiện cho những ý kiến đóng góp đầy tính xây dựng của các đại biểu. Chia sẻ quan điểm về thách thức và thuận lợi mà Việt Nam đang phải đối mặt, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương - cho rằng, bên cạnh thuận lợi Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những thách thức về sự thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp chủ chốt …


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở và chia sẻ nhiều ý kiến tại Đại Hội. (Ảnh: ST)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở và chia sẻ nhiều ý kiến tại Đại Hội. (Ảnh: ST)

Hoàn toàn đồng tình với những trăn trở của Thủ tướng về năng suất lao động, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét: “Về đánh giá năng suất lao động, chúng tôi cho rằng năng suất lao động Việt Nam nói chung còn ở vị trí khiêm tốn so với khu vực và thế giới”.

Cũng theo vị Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của Việt Nam có nhiều: “Về nguồn nhân lực, nhiều cử nhân và kỹ sư sau khi ra trường không có việc làm. Vì không có việc làm nên họ phải vào các nhà máy, xí nghiệp làm công nhân. Bên cạnh đó, ý thức kỷ luật của người lao động ở Việt Nam chưa cao có thể xem là nguyên nhân tiếp theo”.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương đơn cử, một công nhân đang làm việc trong một dây chuyền sản xuất. Nhưng khi có việc gia đình, người công nhân này sẵn sàng nghỉ việc không thông báo, không có tính kỷ luật, không có sự chuyên nghiệp.

Ngoài ra, việc chia sẻ lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa hài hòa, dẫn đến những xung đột không đáng có; cách chi trả thù lao của cơ sở trả cho người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp thấp hơn bình quân lương cơ sở còn là nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao.

Cùng bàn thảo về vấn đề năng suất lao động, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, thời gian qua kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Từ quý 2/2017 nền kinh tế đã có sự đổi chiều và tăng trưởng tốc độ cao hơn.

Để có kết quả này, rõ ràng Chính phủ đã có những đổi mới mang tính toàn diện.

“Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 - một sự kiện ở tầm quốc tế, cũng có chủ đề về Cuộc Cách mạng 4.0, trong đó vấn đề liên quan đến tổ chức sản xuất, năng suất lao động, việc làm là nội dung rất quan trọng” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Nhiều nội dung quan trọng sẽ diễn ra trong Ngày làm việc thứ 2 của Đại hội

Trong ngày làm việc tiếp theo (25.9), Đại hội sẽ trình bày tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ VN khóa XI tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; cùng xem các phóng sự về phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ trước; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và tổ chức công đoàn với Đảng và Nhà nước; Đại biểu tham luận; Phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Đại hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chiều ngày 25/9, Đại hội sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; Bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; Thảo luận về nhân sự tại các đoàn đại biểu; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XII (ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII)…

Quân Đỗ