Thứ trưởng: Lười biếng, vô cảm không làm công chức được
Chuyên môn nghiệp vụ chưa quen hoặc hạn chế thì có cấp trên, đồng nghiệp giúp nhưng lười biếng, vô cảm, thiếu trách nhiệm thì không thể làm công chức được - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tuyển dụng công chức được Bộ Nội vụ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hôm nay tại Hải Phòng.
Không bỏ sót người tài
Theo Chủ tịch Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực khu vực công Nhật Bản Kikuchi Atsuko, kỳ thi tuyển dụng công chức Nhật Bản có "nguyên tắc đối xử bình đẳng". Nếu trúng tuyển tại kỳ thi này và được tuyển dụng, công chức sẽ có cơ hội thăng tiến công bằng.
Việc thi tuyển có 2 vòng. Theo đó, vòng 1 thi trắc nghiệm về năng lực cơ bản và thi chuyên môn. Vòng 2 gồm thi viết về các kiến thức chuyên môn, thi luận chung và kiểm tra con người. Điểm đặc biệt của phần kiểm tra con người là phỏng vấn cá nhân để tìm hiểu về tính cách, năng lực cá nhân.
Kỳ tuyển dụng sẽ do Viện nhân sự của Chính phủ Nhật bản tổ chức, nhưng người có quyền quyết định tuyển dụng ai lại là các bộ và chính quyền địa phương.
Ông Watanabe Matsuaki - nguyên Vụ phó phụ trách thi tuyển Vụ nhân lực, Viện nhân sự với 30 năm làm việc về thi tuyển công chức ở Nhật Bản chia sẻ, cơ chế tuyển dụng tốt là cơ chế không bỏ sót người tài. Tuy nhiên, thí sinh đầu vào không có chất lượng thì cũng khó có được người tài.
Theo ông, việc thông tin đăng tuyển là rất quan trọng, cần phải cải cách công tác đăng tuyển để thông báo và tìm được những thí sinh tốt.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Nguyễn Bá Tải đề xuất cần công khai toàn bộ ngân hàng đề thi trên mạng, như vậy mọi đối tượng từ sinh viên bình thường đến tiến sĩ, thạc sĩ, từ học trong nước hay học ngoài nước đều được tiếp cận để tránh tình trạng "cần cù bù khả năng" trúng tuyển công chức.
"Tiếp cận ngân hàng đề thi sẽ giảm việc học giỏi nhưng không đỗ công chức, mà học vẹt lại đỗ", ông Tải nói.
Ai sử dụng thì có quyền tuyển dụng
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay, vấn đề đặt ra là tất cả các nội dung trong công tác quản lý công chức, nội dung nào cũng phải có hội đồng để tham mưu, tư vấn, kiến nghị cho người đứng đầu xem xét quyết định.
Ông đặt ra nghi ngại, nói đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu nhưng người đứng đầu lại không được quyết cái gì, đều dựa vào Hội đồng, vậy khi có vụ việc xảy ra thì trách nhiệm như thế nào.
"Hiện nay hội đồng tổ chức tuyển xong rồi, chỉ căn cứ vào kết quả các bài thi lấy từ kết quả cao nhất cho hết chỉ tiêu tuyển dụng nhưng người đứng đầu ở các đơn vị lại không được biết về người trúng tuyển đó. Tuyển dụng xong, người đó không làm được việc, năng lực, giao tiếp không biết, vẫn không làm được việc thì trách nhiệm thuộc về ai? Hội đồng làm việc theo cơ chế tập thể, trách nhiệm tập thể thì sẽ không ai chịu cả, mà trách nhiệm phải gắn với từng cá nhân", ông lo ngại.
Ông cho rằng, việc tuyển dụng công chức, viên chức ở Việt Nam cần nghiên cứu để gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng. Vì người đứng đầu từng cơ quan phải có trách nhiệm xây dựng đội ngũ của mình để thực hiện nhiệm vụ. Trong đánh giá người đứng đầu, đơn vị do người đó phụ trách mà hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ nào thì người đứng đầu sẽ hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ đó.
Nhưng hiện nay, có thể thấy người có quyền sử dụng thì không có quyền tuyển dụng; người có thẩm quyền tuyển thì không phải là người sử dụng. Do đó trong tuyển dụng chưa chắc đã tuyển đúng người cần thiết, phù hợp vị trí việc làm từng cơ quan, đơn vị", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, vừa qua việc ứng dụng CNTT thi trên máy tính được thực hiện ở một số bộ ngành, địa phương. Cách thức này được dư luận rất ủng hộ vì đảm bảo khách quan, công bằng.
Tuy nhiên, cần bổ sung thêm việc phỏng vấn để xác định thêm về năng lực, về giao tiếp cũng như các tố chất cần có, do các cơ quan trực tiếp sử dụng thực hiện để bảo đảm lấy được người phù hợp với yêu cầu công việc. Cơ quan tổ chức cán bộ sẽ phải phối hợp với người đứng đầu đơn vị để tiến hành việc phỏng vấn này xem có tuyển được không. Sau đó người đứng đầu các đơn vị sử dụng sẽ quyết định tuyển hay không và chịu trách nhiệm về việc này.
Theo Thứ trưởng, bên cạnh việc thi tuyển thông qua máy tính, cần thiết phải bổ sung thêm phần phỏng vấn. Yêu cầu đối với công chức không chỉ cần có chuyên môn nghiệp vụ mà rất cần phải có tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy với công việc. Qua phỏng vấn có thể ít nhiều biết được điều đó.
Chuyên môn nghiệp vụ chưa quen hoặc hạn chế thì có cấp trên, đồng nghiệp giúp nhưng lười biếng, vô cảm, thiếu trách nhiệm thì không thể làm công chức được.
Theo Hồng Nhì/Vietnamnet.vn