1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thứ trưởng Bộ Lao động: Thấu hiểu khó khăn 18 triệu người lao động gặp phải

An Linh

(Dân trí) - "Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà 18 triệu lao động gặp phải ở 19 tỉnh, thành phía Nam khi các địa phương này áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Tại tọa đàm "Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch Covid-19" được tổ chức trực tuyến chiều nay, 1/10, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) bày tỏ cảm thông với những khó khăn của người lao động, doanh nghiệp vì dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam.

Thấu hiểu khó khăn của người lao động, doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, nhiều tháng qua, người dân, doanh nghiệp ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

"Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà 18 triệu lao động gặp phải ở 19 tỉnh, thành phía Nam khi áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ" - ông Hồi nói.

Thứ trưởng Bộ Lao động: Thấu hiểu khó khăn 18 triệu người lao động gặp phải - 1

Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham dự tọa đàm trực tuyến tại điểm cầu tại trụ sở Bộ ở Hà Nội, (Ảnh Giáp Tống).

Lãnh đạo Bộ khẳng định, trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3 tổng số người lao động, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ".

Ông Hồi cho biết, hiện tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân. Tổng cộng nguồn lực 4 gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân, doanh nghiệp lên đến hơn 10,2 tỷ USD, chiếm 2% GDP.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá cao động thái của rất nhiều doanh nghiệp đã chăm lo cho công nhân. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… đảm bảo tiền lương tối thiểu giữ chân người lao động".

Theo Thứ trưởng Hồi, để sản xuất an toàn, thu hút lao động, phải tiếp tục tiêm phủ nhanh vắc xin cho người lao động, củng cố, tăng cường năng lực y tế để điều trị kịp thời các ca F0. Sau nữa, cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.

Bên cạnh việc giải quyết vấn đề trước mắt, doanh nghiệp cần có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động: Thấu hiểu khó khăn 18 triệu người lao động gặp phải - 2

Ông Hồi khẳng định bên cạnh giải quyết việc làm trước mắt, an sinh xã hội và chỗ ở, học hành cho con em công nhân là vấn đề quan trọng, (Ảnh Giáp Tống).

"Cần có giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều tỉnh phía Nam nêu thực trạng của ngành, nổi lên là tình trạng khan hiếm lao động, người lao động mất việc làm.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết, dịch Covid-19 hoành hành tại TPHCM trong 5 tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

TPHCM, Bình Dương, lao động tạm ngừng việc rất lớn

Chỉ có 70 doanh nghiệp tại địa bàn hoạt động "3 tại chỗ" với 600.000 lao động. Trong khi đó, 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.

Ở TPHCM, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông, hầu hết các doanh nghiệp chịu không nổi, nhiều doanh nghiệp phá sản.

Hiện địa phương có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với 1.600 doanh nghiệp với 322.000 công nhân cũng rất khó khăn và không thể duy trì "3 tại chỗ" vì chi phí quá lớn. Trong số lao động tự do, 660.000 người bị ảnh hưởng rất lớn.

Tại Bình Dương, địa phương thứ 2 chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho biết, theo dự báo, tới đây, Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu người lao động với 50.000 doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Lao động: Thấu hiểu khó khăn 18 triệu người lao động gặp phải - 3

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM tham dự Tọa đàm trực tuyến tại điểm cầu TPHCM, (Ảnh Giáp Tống).

"Thời gian qua, chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp duy trì được "3 tại chỗ" với khoảng 250.000 lao động. Như vậy khoảng 750.000 người, phải ngừng việc", ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, sắp tới để hỗ trợ sản xuất phục hồi nhanh, Bình Dương tiếp tục chi hỗ trợ cho khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là giải pháp để đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong điều kiện khó khăn hiện nay, giúp họ gắn bó với doanh nghiệp và gắn bó với địa phương.

Ngoài ra, theo ông này, khi dịch bệnh được kiểm soát, giao thông được kết nối, tỉnh sẽ kết nối với các tỉnh, thành để điều tiết cung cầu lao động giữa các địa phương, đảm bảo vấn đề việc làm cho người lao động.