Thu tiền tỷ nhờ nuôi con vật thơm như quế, cả biết bơi và bay
(Dân trí) - Sau 3 lần thử nghiệm thất bại, vợ chồng chị Thơ ở Hà Tĩnh đã thành công với mô hình nuôi cà cuống. Các sản phẩm chế biến từ con vật này giúp gia đình chị Thơ có nguồn thu nhập lớn.
Vợ chồng chị Lê Thị Thơ (29 tuổi, trú xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có nguồn thu nhập ổn định nhờ khởi nghiệp với mô hình nuôi cà cuống. Đây là loài côn trùng được nuôi để làm thức ăn, chế biến các loại tinh dầu và nước mắm.
Ba lần thất bại không nản chí
Chị Thơ kể, năm 2017, chị tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp rồi nên duyên cùng anh Phan Văn Hiệp (SN 1987), cùng quê Hà Tĩnh.
Sau kết hôn, 2 vợ chồng quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp bằng công việc bán nước mắm truyền thống của gia đình chồng.
Cuối năm 2021, chị Thơ trong một lần lướt mạng xã hội, vô tình xem được video có tương tác cao đánh giá về món bánh cuốn, bún chả chấm với nước mắm cà cuống.
"Tôi nảy sinh ý định tìm hiểu, nuôi loài vật này nhằm mục đích phát triển thêm hương vị cho nghề nước mắm truyền thống của quê hương, gia đình", chị Thơ chia sẻ.
Nghĩ là làm, năm 2022, chị Thơ bàn với chồng nghỉ việc ở Hà Nội, về quê nuôi cà cuống.
Ban đầu, chị Thơ mua 10 cặp cà cuống tự nhiên ở Lào với giá 2,5 triệu đồng về nuôi thử nghiệm trong thùng xốp. Song, việc nuôi nhân tạo khiến 10 cặp cà cuống bỏ ăn, lần lượt chết hết.
Không nản chí, vợ chồng chị Thơ mua 10 tổ trứng giá 2,5 triệu đồng để ươm. Số trứng này nở ra khoảng 1.500-2.000 con cà cuống giống. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cà cuống do thiếu thức ăn nên quay ra cắn nhau gây thất thoát. Vợ chồng chị thất bại lần 2.
Sang lần thứ 3, chị Thơ mua 10 ổ trứng cà cuống để nuôi lại. Trong lần này, cà cuống giống cũng chết do không được thay nước sạch thường xuyên và đưa ra nuôi ở không gian rộng hơn.
Sau 3 lần thất bại, vợ chồng chị Thơ không nản chí mà tiếp tục học hỏi và đã tìm được phương án nuôi thành công.
Bí quyết thu nhập tiền tỷ
Chị Thơ bật mí, nuôi cà cuống vừa dễ vừa khó. Loài vật này nhạy cảm với môi trường nên cần khu vực sạch sẽ để sinh sống. Vì thế, vợ chồng chị chọn địa điểm xây dựng bể nuôi thoáng mát, tránh khu vực người dân phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hoặc đốt rác.
Về nguồn nước, người nuôi cần theo dõi độ PH, độ phèn để đạt được kết quả tốt nhất. Người nuôi phải thay nước 2-3 lần/ngày và thường xuyên vớt thức ăn thừa ra ngoài, tránh ô nhiễm.
Nguồn thức ăn cho cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như: cá, ếch con, nhái con nên cần phải chủ động được nguồn cung cấp thức ăn nếu chăn nuôi thương phẩm.
"Cà cuống là động vật săn mồi, chúng chỉ ăn được thức ăn tươi sống. Khi chúng ăn sẽ hút dịch từ con mồi, để lại xác. Nếu không đủ thức ăn, cà cuống sẽ tự cắn nhau, ăn thịt đồng loại", chị Thơ chia sẻ.
Cuối cùng, cà cuống từ khi nở đến trưởng thành phải trải qua 5 lần lột xác. Điều này đòi hỏi người nuôi phải theo dõi, dành thời gian để vớt xác con vật.
Cà cuống mỗi lứa đẻ chỉ cách nhau một tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau 5-7 ngày, trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở gần xấp xỉ 100%. Con vật này từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản khoảng 75 ngày.
Cà cuống được sử dụng để chế biến nước mắm là con đực vì chỉ giống đực mới chứa túi tinh dầu. Khi đạt tiêu chuẩn, con cà cuống đực sẽ được sơ chế, sau đó cho vào chai nước mắm nguyên chất để ngâm. Nước mắm cà cuống có hương vị thơm, cay đặc biệt.
Cơ sở của vợ chồng chị Thơ có diện tích khoảng 400m2, với 200 cặp giống, hơn 1.000 con giống và thương phẩm. Từ đầu năm 2023, chị Thơ bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành cao, vượt ngoài mong đợi.
Cụ thể, một ổ trứng cà cuống có giá bán 200.000-250.000 đồng, cặp cà cuống giống giá 200.000-250.000 đồng, còn nước mắm cà cuống giá 400.000 đồng/lít.
Đến nay, các mặt hàng liên quan đến cà cuống luôn trong trình trạng "cháy hàng", giúp cơ sở của chị Thơ có nguồn thu 1 tỷ đồng/năm.
Trong tương lai, vợ chồng chị Thơ dự kiến sẽ mở rộng diện tích trang trại và khu chế xuất nước mắm.
"Thời gian qua, nhiều người đến để tham quan, học hỏi mô hình. Chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật nếu bà con địa phương có nhu cầu nuôi. Cơ sở chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm, giúp họ có thêm nguồn thu nhập", chị Thơ bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, đánh giá vợ chồng chị Thơ là người trẻ, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén trong kinh doanh. Họ đã tiên phong trong việc nuôi cà cuống để phát triển kinh tế ở địa phương.
Cùng với đó, việc phát triển sản phẩm nước mắm cà cuống, còn góp phần gìn giữ, phát triển ngành nghề nước mắm truyền thống.
"Ngoài làm giàu cho gia đình, cơ sở của vợ chồng chị Thơ, anh Hiệp còn tạo công ăn việc làm cho hơn 5 lao động địa phương", ông Bắc nói.
Cà cuống là một trong những nhóm côn trùng có kích thước lớn nhất, cơ thể dẹt, hình lá, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình 7-8cm, có con lên đến 10-12cm.
Tinh dầu cà cuống có mùi thơm đặc biệt như mùi quế.
Cà cuống là loài háu ăn, có thể sống trên bờ hoặc khu vực hồ, ao, đầm hay ruộng lúa nước. Chúng có thể vừa bơi lội vừa biết bay vào ban đêm.
Hiện nay, cà cuống rất hiếm gặp trong môi trường tự nhiên ở nước ta do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tại Campuchia hoặc Thái Lan, cà cuống được bán với giá khá đắt đỏ.