Thu tiền tỷ mỗi năm từ cây có múi nhờ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ

Diện tích trồng trái cây có múi tại huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang ngày càng được mở rộng. Địa phương xác định việc nâng cao chất lượng sản phẩm là hướng đi để khắc phục tình trạng được mùa mất giá.

Thu tiền tỷ mỗi năm từ cây có múi nhờ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ

Ông Trần Én bắt đầu trồng bưởi tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang từ năm 2007. Đến nay, gia đình ông có khoảng 700 gốc với 2 giống chính là bưởi Diễn và da xanh.3 năm trước, ông Én mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hữu cơ. Năm nay, vườn bưởi cho sản lượng khoảng 50.000 quả, được đánh giá có chất lượng và mẫu mã vượt trội.

“Canh tác theo hướng hữu cơ khác rất nhiều so với canh tác truyền thống. Chúng tôi phải dùng phân bón từ đỗ tương, bột ngô, cá ngâm và phân vi sinh. Với thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy định, chỉ dùng các loại thuốc trong doanh mục cho phép, kết hợp thêm việc dùng vôi quét gốc cây để trừ sâu bệnh. Ngoài ra, không được dùng thuốc diệt cỏ, phải dùng máy hoặc cắt thủ công bằng tay...,” ông Én cho biết.

Thu tiền tỷ mỗi năm từ cây có múi nhờ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ - 1
Ông Trần Én chăm sóc "vườn bưởi tiền tỉ" của mình. (Ảnh: Lâm Phan/vietnam+)

Đối với những nông dân ở một huyện miền núi như ông Én, việc chuyển đổi sang canh tác theo phương thức hữu cơ là vấn đề không hề đơn giản, nhất là thời gian đầu khi năng suất không đạt như thời gian trước. Tuy nhiên, với sự kiên trì, sau 3 năm, mô hình của ông Én đã cho thu tiền tỷ mỗi năm.

Ông Én chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi sang làm hữu cơ, tôi thấy đất đai phục hồi rất nhanh, môi trường quanh vườn trở nên trong sạch, sức khoẻ của gia đình cũng được cải thiện. Bên cạnh đó chất lượng quả cũng tốt hơn, giá thành bán ra cao hơn từ 3.000 tới 5.000 đồng/kg.”

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có khoảng 6.740 ha trồng các loại cây có múi. Nhiều năm qua, huyện luôn xác định việc nâng cao chất lượng cây có múi thông qua chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang hướng hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có khoảng hơn 1.700 ha diện tích trồng cây có múi đáp ứng đầy đủ quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có hơn 200 ha đã có giấy chứng nhận, đủ điều kiện bán vào các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thế Thi-Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Lục Ngạn cho biết huyện luôn khuyến khích bà con nông dân chuyển dần hướng canh tác sang hữu cơ để đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… với mục tiêu tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, tiêuthụ không chỉ ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính như Nhật Bản, Australia…/.