Thu nhập không kịp trượt giá, người lao động chờ tăng mức giảm trừ gia cảnh
(Dân trí) - Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc giữ nguyên 5 năm qua, chi phí sinh hoạt tại các đô thị lớn tăng vọt, khiến nhiều gia đình trẻ vật lộn để "sống tối thiểu".
Chắt bóp chi tiêu dù nằm trong diện đóng thuế
8 năm trước, khi mới ra thủ đô lập nghiệp, Minh Khoa (30 tuổi) chỉ phải trả 1 triệu đồng mỗi tháng cho một căn phòng trọ. Giờ đây, gia đình nhỏ của anh đang thuê một căn hộ mini có giá 6 triệu đồng (diện tích chỉ gấp đôi căn phòng anh đã thuê cách đây 8 năm), cộng thêm điện, nước gần 2 triệu. Chưa kể các khoản chi tiêu khác như thực phẩm, đồ dùng cho con, y tế, Khoa ước tính mỗi tháng phải chi khoảng 10 triệu đồng chỉ để duy trì mức sống tối thiểu.

Giá nhà mua và thuê đều tăng phi mã, tạo gánh nặng cho những lao động có thu nhập trung bình ở thành phố lớn (Ảnh minh họa: Hải Long).
Lương của anh hiện vào khoảng 25 triệu mỗi tháng, nhưng vợ vừa sinh con nên chưa thể đi làm. Trong số thu nhập đó, 10 triệu dành cho con nhỏ (bao gồm bỉm sữa, khám sức khỏe định kỳ, quần áo, ăn dặm). Thu nhập của Minh Khoa nằm trong diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
"Chỉ riêng khoản chăm con đã chiếm gần nửa thu nhập, chưa kể mọi thứ đều leo thang", anh nói.
Cũng trong cảnh tương tự, chị Hoài Anh, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết chi phí chăm con hàng tháng luôn vượt ngưỡng 4,4 triệu được giảm trừ.
"Hiện tại ăn uống, đồ dùng, điện nước, thuê trọ cho ba người đã gần 10 triệu đồng, chưa kể em bé bắt đầu ăn dặm, sắp tới đi học mầm non", chị Hoài Anh tâm tư.
Với thu nhập hai vợ chồng khoảng 30 triệu, chị chỉ có thể để dành được khoảng 5 triệu mỗi tháng - nếu không có phát sinh. Nhưng khoản "dư" ấy cũng mong manh.
"Có tháng đám cưới, sinh nhật, hỏng đồ, là hết sạch. Tôi thật sự lo khi con vào lớp một, rồi sinh thêm bé nữa thì liệu có kham nổi?", chị băn khoăn.

Dù chi tiêu tiết kiệm, khoản dư mỗi tháng của người lao động cũng rất mong manh (Ảnh minh họa: Đức Dương).
Mức giảm trừ có đang phản ánh đúng thực tế?
Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc được quy định tại Nghị quyết số 954 ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 đến nay.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng mạnh trong những năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh trong thời gian qua. Riêng trong quý I/2025, giá thịt lợn - một trong những mặt hàng tiêu dùng phổ biến - đã tăng hơn 12% so với cùng kỳ, góp phần kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung lên đáng kể. Nhóm dịch vụ y tế cũng ghi nhận mức tăng gần 15% do điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo quy định mới.
Giá nhà ở, điện nước - những khoản chi thường xuyên trong ngân sách hộ gia đình - tăng trên 5%, trong đó riêng giá thuê nhà leo thang tới 7,3%. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên 5 năm qua, khiến nhiều người rơi vào tình trạng "đóng thuế cho cả phần chi tiêu tối thiểu".
Một khảo sát với gần 24.000 người cho thấy, trung bình người có thu nhập khoảng 22 triệu đồng mỗi tháng phải chi hơn 10 triệu cho bản thân và 7 triệu cho mỗi người phụ thuộc. Tức là chi phí thực tế cao hơn hẳn so với tỷ lệ 40% đang được Bộ Tài chính áp dụng.
"Tôi thấy tiền nuôi con giờ tốn kém hơn rất nhiều so với trước đây, thậm chí còn tốn hơn người lớn. Một tháng phải thay quần áo cho con, giá quần áo trẻ con giờ cũng tương đương với người lớn. Rồi đến lúc bé đi học, học phí mẫu giáo cũng 4-5 triệu một tháng, chưa kể ngoại khóa, ăn uống", anh Khoa liệt kê.
Dự kiến tăng mức giảm trừ đóng thuế TNCN
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân, với hai phương án đề xuất.
Phương án 1 dựa theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Từ năm 2020 đến 2025, CPI lũy kế dự kiến tăng 21,24%, nên mức giảm trừ cho người nộp thuế được đề xuất tăng từ 11 triệu lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 4,4 triệu lên 5,3 triệu đồng/tháng.
Phương án 2 căn cứ vào tốc độ tăng thu nhập và GDP bình quân đầu người, đều khoảng 40-42% trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mức giảm trừ có thể nâng lên 15,5 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc.
Dự kiến, phương án 1 làm giảm thu ngân sách khoảng 12.000 tỷ đồng; phương án 2 là 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng số thu có thể được bù đắp từ các sắc thuế tiêu dùng nhờ thu nhập khả dụng của người dân tăng lên.
Nếu được thông qua tại Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10 tới, mức giảm trừ mới sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.