1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thủ khoa đại học có được tuyển thẳng vào công chức?

Bà Bùi Lê Mai Anh (Hà Nội) sinh ngày 2/11/1996, là sinh viên khóa 2, chuyên ngành Luật, hệ chính quy Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Năm 2018, bà Mai Anh tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của khóa.

Ngày 4/10/2018, bà Mai Anh là 1 trong 88 thủ khoa xuất sắc được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Ngày 31/10/2018, bà được Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tặng Giấy khen do xếp hạng tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc khóa học 2014 – 2018.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, bà thuộc đối tượng được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức.

Tuy nhiên, ngày 29/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức (có hiệu lực từ ngày 15/1/2019) có sự thay đổi đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, không có đối tượng thủ khoa tốt nghiệp các cơ sở đào tạo đại học trong nước.

Khi tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội năm 2018, bà Mai Anh đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn làm thủ tục nguyện vọng làm việc trong Ngành kiểm sát nhân dân từ  tháng 11/2018, trước thời điểm Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực.

Bà Mai Anh hỏi, trường hợp của bà có được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển hay không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Mai Anh hỏi như sau:

Trước ngày 15/1/2019, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, quy định trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng như sau:

Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại Khoản 1, Điều 36 Luật Cán bộ, công chức và yêu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt sau:

- Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước;

- Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài;

- Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Ngày 29/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (có hiệu lực từ ngày 15/1/2019).

Khoản 11, Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 19 của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP về trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức như sau:

Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại Khoản 1, Điều 36 Luật Cán bộ, công chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức đối với các trường hợp sau:

Các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng BHXH bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn), gồm:

Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu; người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn Nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trường hợp đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển đến làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn Nhà nước giữ chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Như vậy, theo quy định sửa đổi, bổ sung nêu trên, kể từ ngày 15/1/2019, người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài không thuộc trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, không thuộc đối tượng mà người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức.

Thời điểm áp dụng quy định sửa đổi, bổ sung

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ thì, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức tuyển dụng công chức trước ngày ban hành Nghị định này thì được tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Liên quan đến công tác tuyển dụng công chức Ngành Kiểm sát năm 2018, ngày 16/11/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 5016/VKSNDTC-V15 về việc bổ sung đối tượng nộp hồ sơ dự tuyển công chức ở các Viện Kiểm sát địa phương năm 2018 đối với sinh viên tốt nghiệp Đại học Kiểm sát Hà Nội khóa I, khóa II.

Thực hiện Công văn số 5016/VKSNDTC-V15, Đại học Kiểm sát Hà Nội đã có thông báo đến sinh viên khóa I, khóa II Đại học Kiểm sát Hà Nội biết chủ trương của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc tuyển dụng công chức năm 2018, để sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Kiểm sát Hà Nội chủ động nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển thi công chức năm 2018 tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố theo nguyện vọng.

Từ nửa cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố đã thông báo bổ sung việc nộp hồ sơ dự thi tuyển dụng công chức nghiệp vụ kiểm sát công tác tại các đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân địa phương và đã thực hiện việc sơ tuyển để chọn người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo Quy chế tuyển dụng công chức Viện Kiểm sát nhân dân. Được biết, đến nay hầu hết các Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố đã thực hiện xong quy trình xét tuyển, thi tuyển, ra thông báo trúng tuyển công chức Ngành Kiểm sát năm 2018.

Nếu thông tin đúng như bà Bùi Lê Mai Anh phản ánh, bà tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kiểm sát Hà Nội tháng 10/2018. Tháng 11/2018, đã có đơn đăng ký và nộp hồ sơ dự tuyển công chức Ngành Kiểm sát năm 2018 gửi tới cơ quan thông báo tuyển dụng. Vào thời điểm đó, căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP (trước khi quy định này được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 11, Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2019), theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được (có quyền) xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước.

Trường hợp trong kế hoạch tuyển dụng năm 2018, có kế hoạch xét tuyển (không qua thi tuyển), cơ quan quản lý công chức sẽ tiến hành quy trình xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển, thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để đánh giá về các điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí việc làm cần tuyển của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển. Trường hợp đạt yêu cầu sát hạch sẽ được tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển.

Trường hợp kế hoạch tổ chức xem xét, tiếp nhận công chức không qua thi tuyển năm 2018 đã được phê duyệt trước ngày ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (ngày 29/11/2018), thì được tiếp tục thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp cơ quan thông báo tuyển dụng công chức năm 2018 theo hình thức thi tuyển (không có kế hoạch tuyển dụng theo hình thức xét tuyển), thì từ ngày 15/1/2019, theo quy định Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 11, Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, cơ quan quản lý công chức không xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với trường hợp người tốt nghiệp thủ khoa nữa.

     Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.